Hiện nay, một số hộ dân ở ấp Thạnh A (xã Tân Phong), ấp Thạnh Lại (xã Bình Thạnh), ấp Phú Hòa (xã Phú Khánh) thuộc huyện Thạnh Phú đã đầu tư máy móc để làm nhang. Nhờ đó, năng suất tăng lên gấp đôi, thị trường tiêu thụ cũng tương đối rộng, người làm nhang có thể giao hàng cho mối lái ở TP. Hồ Chí Minh hay các tiểu thương ở các chợ trong tỉnh...
Chị Nguyễn Thị Nhiên ở ấp Thạnh A, xã Tân Phong làm nhang gần 11 năm, cho biết: “Trước đây chưa có máy phóng nhang, vò bằng tay rất lâu, 4 ngày mới hết 1 bao bột nhang. Từ khi có máy đến nay, mỗi ngày tôi làm nửa bao bột nhang, làm ra sản phẩm nhanh hơn và giảm được sức lao động nên những chị em trong xóm tôi rảnh rỗi cũng làm theo”.
Trước đây, tăm (cọng nhang) thường được chẻ tại chỗ, hiện nay, tăm được chẻ bằng máy nên người làm nhang chỉ việc mua từ các cơ sở làm tăm nhang. Bột nhang cũng được mua từ các cơ sở chế biến sẵn. Ở cơ sở sản xuất nhang của anh Nguyễn Văn Tái, tại ấp Thạnh B - xã Tân Phong, không khí lao động khá nhộn nhịp. Trên 10 cô gái bên những chiếc bàn xe, một tay cầm nắm tăm, tay kia cầm bàn lăn đưa thoăn thoắt, những cây nhang lần lượt hình thành nối nhau rơi xuống xếp ngay ngắn trong chiếc thúng chờ đem phơi. Anh Tái cho biết: “Tôi làm nhang 6-7 năm nay, lao động có trên dưới 10 người tùy theo thời điểm. Người làm công ăn theo sản phẩm, cứ 1 người xe xong 25 ký bột ướt là được 60.000 đồng (1 ký bột khô pha thành 25 ký bột ướt). Mỗi ngày, một người thu nhập ít nhất cũng được 70.000 đồng, người làm giỏi được 90.000 đồng. Bình quân thu nhập của lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng. Nhang làm ra được đưa bán tận TP. Hồ Chí Minh và các huyện trong tỉnh… Mỗi chuyến đi khoảng 10 đàm (mỗi đàm 100.000 cây, giá bán khoảng 450.000-500.000 đồng). Hiện nay, đầu ra sản phẩm tương đối tốt”.
Nghề làm nhang đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, vốn đầu tư không nhiều, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại địa phương.