
Nhân công lột vỏ cau trái. Ảnh: H. Đức
Nhiều năm qua, cơ sở thu mua, sấy cau ở ấp Kinh Trong, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm do bà Huỳnh Thị Việt làm chủ đã giải quyết số lượng khá đông lao động địa phương. Chủ cơ sở Huỳnh Thị Việt chia sẻ: “Nghề này tuy cực nhưng vui, chủ yếu là nối nghiệp của ông bà nội để lại, tận dụng sản phẩm vườn và lao động nhàn rỗi”.
Bà Việt làm nghề này 20 năm qua và có khá nhiều kinh nghiệm. Từ lúc còn nhỏ, bà đã học hỏi được từ ông bà nội về nghề này, tuy nhiên, chỉ là thu mua cau, sấy khô để bán (nhỏ lẻ) cho thương lái ở trong tỉnh.
Mỗi ngày, tại đây có từ 15 - 20 người lao động, tùy theo thời vụ mùa cau. Nhân công làm việc đơn lẻ hoặc theo nhóm với những việc: cân cau trái, lột vỏ, sấy, phơi, vô bao sản phẩm. Mỗi lao động được trả từ 100 - 200 ngàn đồng/ngày. Cùng “đồng hành” với công việc này còn có nhiều người làm nghề bẻ cau thuê, thu mua cau trái ở các vườn chở về đây bán. Người bẻ cau thuê được trả tiền công mỗi ký từ 2,5 - 4 ngàn đồng, hoặc mua cau ký của chủ vườn rồi tự bẻ trái.
Tới mùa cau (tháng 5 - 9 âm lịch), cơ sở thu mua mỗi ngày từ 2 - 4 tấn cau trái (luôn cả vỏ, cành). Giá thu mua tính theo thời giá thị trường và lượng nhân công cũng tăng, giảm tùy theo sản lượng cau trái. Sản phẩm làm ra được bán cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó xuất bán cho khách hàng nước ngoài.
Tại huyện Giồng Trôm, hiện có nhiều cơ sở thu mua cau trái, sấy khô ở thị trấn và các xã khác như Phước Long, Châu Hòa. Ở 2 huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành cũng có một số cơ sở làm nghề này. Những cơ sở thu mua, sấy cau khô này đã giải quyết được một lượng khá đông lao động địa phương và giúp họ có thu nhập khá.
Theo phản ánh của các chủ cơ sở, giá cả đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, phải tùy thuộc vào thương lái. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ để người sản xuất có được lãi cao hơn.
Đức Chính