Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3

09/04/2020 - 22:41

Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn coi sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát; bảo đảm an sinh xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Nghị quyết nêu rõ, về tình hình dịch COVID-19; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2020; tình hình thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thống nhất đánh giá: Thời gian qua, các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được thành công bước đầu, vừa ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân đồng tình, tin tưởng. 

Chính phủ đánh giá cao, biểu dương tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, thể hiện rõ tinh thần, bản lĩnh Việt Nam, đặc biệt là sự cống hiến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, hy sinh quên mình của ngành y tế, các lực lượng quân đội, công an trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Do đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I năm 2020 đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Kinh tế vĩ mô giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát;...

Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn coi sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát; bảo đảm an sinh xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người mất việc làm; tiếp tục kiên trì, nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời tận dụng thời cơ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi, bứt phá ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các Chỉ thị số: 15/CT-TTg ngày 27-3-2020, 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời khẩn trương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội nêu tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Các bộ, cơ quan quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phương án, kịch bản điều hành, kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo mục tiêu đề ra, kiên quyết giảm giá thịt lợn, miễn giảm chi phí thủ tục hành chính để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, không tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, nhất là đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân chậm; xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các đối tượng chính sách, ưu tiên; đảm bảo thanh khoản cho nhu cầu tín dụng và thanh toán của người dân, doanh nghiệp; duy trì hoạt động giao dịch ngân hàng an toàn, thông suốt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phù hợp với diễn biến tình hình, có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là những giải pháp đột phá khi dịch bệnh được ngăn chặn; sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19. 

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ tổng thể, trong đó bổ sung vốn đầu tư cho các dự án thiếu vốn, đầu tư cho các công trình xã hội, nhất là nhà ở xã hội. Khẩn trương thẩm định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, hoàn thành trước ngày 15-4-2020; trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Chính phủ theo quy định.

Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách giãn, hoãn thuế, phí

Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt chi thường xuyên, không bố trí chi cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết, hạn chế chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài; quản lý chặt chẽ dự phòng ngân sách nhà nước, ưu tiên cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xem xét các khoản vay cho cân đối ngân sách từ các tổ chức tài chính quốc tế, đáp ứng nhu cầu đầu tư, phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ trì, phối hợp Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là đối với những mặt hàng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sớm đưa vào vận hành các dự án, công trình công nghiệp quy mô lớn; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung khẩn trương xử lý các tồn tại 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ; tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và chương trình Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam; phối hợp với các địa phương có phương án bảo đảm nhu yếu phẩm, hàng hóa phục vụ Nhân dân. 

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ hiện trạng và dự báo cung cầu gạo để có phương án bảo đảm lương thực cho xuất khẩu, tiêu dùng và dự trữ. Duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời tìm kiếm mở rộng các thị trường mới, chuẩn bị các điều kiện để tranh thủ cơ hội thúc đẩy xuất khẩu từ Hiệp định EVFTA ngay sau khi dịch COVID-19 được ngăn chặn. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực. Chủ động có giải pháp kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, chủ động phương án phòng, chống nạn châu chấu sa mạc. 

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá thịt lợn, đẩy mạnh tái đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu phù hợp; sớm gỡ thẻ vàng của EU đối với thủy sản. Khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật Lâm nghiệp; tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện kế hoạch 2020 đã đề ra.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa trục lợi chính sách. 

Đẩy mạnh hình thức dạy học qua truyền hình và Internet

Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh hình thức dạy học qua truyền hình và Internet, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong dạy và học; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá toàn diện nguyên nhân hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải tích cực chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là một số dự án cấp bách như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Mỹ Thuận - Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. 

Các bộ, ngành rà soát lại các thỏa thuận song phương, triển khai ký kết bằng hình thức trực tuyến để thúc đẩy triển khai sớm, không để ngừng trệ; theo phân công tổ chức họp các cấp bằng hình thức trực tuyến để tiến tới Hội nghị cấp cao ASEAN trong tháng 6 năm 2020 và cuối năm 2020.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị tốt nội dung để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN trong tháng 6 năm 2020; thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Bộ Quốc phòng theo dõi sát tình hình trên Biển Đông, chủ động phương án ứng phó, kịp thời tham mưu, đề xuất, không để bị động bất ngờ; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Bộ Công an tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, chủ động phương án, kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tín dụng đen, trộm cắp, cướp giật... Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với những hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp số tích cực vào cuộc, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng dụng các giải pháp công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác phòng, chống dịch; mở rộng dung lượng băng thông kết nối Internet, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, nhất là các dịch vụ phục vụ làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó chú trọng biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, chung tay phòng, chống dịch bệnh, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kịp thời phản bác thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai hình thức họp trực tuyến. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, tổ chức khảo sát, kết nối các phiên họp, cuộc họp của Lãnh đạo Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương; mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống E-cabinet. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng bảm đảm an toàn thông tin các cuộc họp trực tuyến. Các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm kinh phí, bố trí trang thiết bị, đường truyền và triển khai kết nối với hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cuộc họp; mở rộng ứng dụng họp trực tuyến trong điều hành công việc.

Rà soát, thẩm định các nhóm đối tượng được hỗ trợ do đại dịch COVID-19

Về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ các đối tượng, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành theo nguyên tắc: hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, ngừng việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch COVID-19 (không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng); chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong bảo đảm an sinh xã hội với người lao động, có sự phân chia hợp lý giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc xác định và bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, thẩm định các nhóm đối tượng được hỗ trợ, chi tiết theo từng địa phương, gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở rà soát lại kinh phí hỗ trợ. Bộ Tài chính rà soát lại kinh phí hỗ trợ, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trình ban hành 17 văn bản quy định chi tiết các Luật 

Về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, để đảm bảo chất lượng và tiến độ chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ yêu cầu các Thành viên Chính phủ khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 văn bản quy định chi tiết các Luật đã có hiệu lực thi hành theo phân công trước ngày 15-4-2020.

Sớm hoàn thành trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9, lưu ý trả lời đúng yêu cầu đề ra, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật.

Chủ động bố trí kế hoạch công tác phù hợp với chương trình kỳ họp của Quốc hội, đảm bảo tham dự đầy đủ các phiên thảo luận, giải trình các nội dung thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Nắm bắt đầy đủ những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình để giải trình ngắn gọn, đúng trọng tâm, đúng thời gian quy định tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời chủ động trao đổi, giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan báo chí về những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Đề cao trách nhiệm cá nhân, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về công tác chuẩn bị tài liệu, báo cáo, đảm bảo chất lượng, gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định tất cả tài liệu, báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 9; trong đó lưu ý việc chuẩn bị báo cáo, tài liệu trình bày tại hội trường bảo đảm đúng thời lượng theo yêu cầu; rà soát thông tin, số liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước để báo cáo riêng. Đặc biệt là tiến độ chuẩn bị các nội dung cần xin ý kiến của Quốc hội.

Văn phòng Chính phủ chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội tham mưu xây dựng chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 9 phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19; chuẩn bị tốt cuộc họp liên tịch giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ để kịp thời trao đổi, thống nhất cách thức lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức kỳ họp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, không để công dân tập trung khiếu kiện đông người tại địa phương hoặc di chuyển đến các cơ quan Trung ương, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. UBND Thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, có biện pháp để công dân trở về địa phương giải quyết, không để công dân tập trung khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội

Về giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.

Về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Chính phủ thống nhất để Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện như năm 2019 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ và một số kiến nghị của các hiệp hội liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình công tác bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các bộ nợ đọng nhiều đề án phải có báo cáo giải trình với Thủ tướng Chính phủ hàng tháng; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án nợ đọng, bảo đảm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 4 năm 2020; đồng thời bảo đảm tiến độ trình 21 đề án theo chương trình công tác tháng 4 năm 2020.

Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung làm việc với các bộ, cơ quan nợ đọng nhiều đề án và chậm triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính.  

Các bộ, cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng, xử lý theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phù hợp với chính sách chung và tình hình thực tế.

Chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công

Về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ thống nhất chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị các thủ tục cần thiết để có thể triển khai ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư các dự  án từ đầu tư PPP sang đầu tư công.

Về dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công, khởi công dự án vào cuối năm 2020, mục tiêu thông xe kỹ thuật vào năm 2021, khánh thành năm 2022.

Về dự án cải tạo đường hạ cất hạ cánh và đường lăn 02 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Chính phủ thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Bộ Tài chính tổng hợp dự án trong phương án phân bổ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ động quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tận dụng ngay thời điểm các sân bay đang giảm tần suất khai thác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để triển khai dự án hiệu quả, đúng quy định để sớm đưa vào khai thác.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN