Từ nay trong quy hoạch nông thôn mới, các xã (hoặc cụm xã) đều phải có phần đất dành cho nghĩa trang nhân dân. Cùng với quy hoạch, vấn đề quan trọng là làm thế nào để người dân ý thức về sự cần thiết trong việc chôn cất tập trung.
Nghĩa trang không chỉ đơn thuần là chốn an táng mà còn là nơi bày tỏ tình cảm, đạo lý của người sống với người đã khuất. Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ được quy hoạch, xây dựng một cách bài bản, trước nay nghĩa trang nhân dân hầu như chưa được quan tâm. Những nghĩa địa tự phát, những khu mộ dòng tộc, đặc biệt là những ngôi mộ chơi vơi bên hiên nhà, trước cửa, sau vườn hay giữa đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Khi cả nước cùng vào cuộc với phong trào xây dựng nông thôn mới thì chôn cất người chết ở đâu, như thế nào… đang được nhìn lại.
Hiện tại, ở mỗi xã đều có ít nhất dăm ba khu đất nghĩa địa (nghĩa trang) và hầu hết đều hình thành một cách tự phát. Ở những vùng đất cát, thường các nghĩa địa ở trải dọc bên triền lộ, xen vào các khu dân cư. Những vùng đất thịt, miền biển thì nghĩa địa thường xuất hiện bên cạnh những dòng sông, con rạch. Do không có quy hoạch nên phần lớn không có tường rào bảo vệ, không nhà quản trang, không hệ thống thoát nước và đường đi thường rất khó khăn. Đặc biệt, rất nhiều nghĩa địa không có ranh giới phân định rõ ràng với khu dân cư hoặc nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Không chỉ về vị trí mà việc mai táng, xây cất bia mộ cũng không theo bất cứ một quy định nào về quản lý kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, việc xây mộ theo kiểu kiên cố, to lớn với đủ các loại kiến trúc mái cong, mái vòm, mái lượn, màu sắc sặc sỡ… trị giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Văn Minh - Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết, ngoài ngôi mộ đặc biệt được đặt ngay phòng khách ngôi biệt thự ở xã Tân Thạch (Châu Thành), có nhiều khu mộ xây kiểu như biệt thự trị giá vài trăm triệu đồng. Còn những nhà mồ được xây dựng từ 70-80 triệu đồng thì đếm không xuể.
Hiện nay, chỉ có TP. Bến Tre là có khu nghĩa trang nhân dân được thực hiện khá bài bản ở xã Phú Hưng. Ông Bùi Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Bến Tre cho biết, khu đất này rộng gần 3ha, được quy hoạch thành khu mộ đất (mua đất và tự xây mô) và khu kim tĩnh xây sẵn. Với giá 3 triệu đồng/kim tĩnh, người dân thành phố đang dần có thói quen đưa người thân quá cố về an nghỉ ở nơi này. “Với diện tích cho mỗi mộ thống nhất là 3,75m2, việc bán kim tĩnh được thực hiện theo hàng, thứ tự từ trong ra ngoài và xây mộ theo mẫu thống nhất, nên tạo được sự công bằng, không còn xuất hiện những ngôi mộ “hoành tráng” ở khu nghĩa địa này.
Ở cấp xã, cũng có một số nơi có đất quy hoạch dành cho nghĩa trang nhân dân nhưng cho đến thời điểm này, hầu hết đều chưa được đầu tư đúng mức. Châu Thành chỉ có xã Quới Sơn có khu nghĩa địa tập trung, nhưng hiện chỉ là bãi đất tha ma rải rác vài ngôi mộ, chưa có sự đầu tư, chưa đủ chuẩn làm nơi yên nghỉ của người đã mất.
Trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, tiêu chí 17 quy định xã nông thôn mới phải có nghĩa trang nhân dân xây dựng theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khoảng cách ly vệ sinh của nghĩa trang đối với khu dân cư phải đảm bảo > 100m; diện tích đất xây dựng cho mỗi mộ chôn cất một lần tối đa không quá 5m2; có quy chế về quản lý nghĩa trang; nơi trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng; mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định. Như vậy, việc nên làm là từ nay trong quy hoạch nông thôn mới, các xã (hoặc cụm xã) đều phải có phần đất dành cho nghĩa trang nhân dân. Cùng với quy hoạch, vấn đề quan trọng là làm thế nào để người dân ý thức về sự cần thiết trong việc chôn cất tập trung, vận động người dân thực hiện hỏa táng ở những nơi có điều kiện thay cho chôn cất và thực hiện chôn cất tại nghĩa trang thay cho chôn cất tại vườn. Dù chưa thật sự trở thành thói quen trong dân, đặc biệt là người dân nông thôn nhưng hỏa táng là hướng đi mới, văn minh và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đây là một hình thức hợp vệ sinh, bảo vệ môi sinh, không mất đất, giảm được nhiều vấn đề như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời… Nhằm hình thành tập quán hỏa táng thay thế dần tập quán địa táng của người dân, UBND tỉnh đã thống nhất triển khai dự án Nhà hỏa táng TP. Bến Tre, trên diện tích 3,3ha tại xã Phú Hưng. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Nhà hỏa táng hiện là một trong những dự án được tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc trong nước, với thời hạn 50 năm.
Tất cả các nghĩa trang đều phải được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang theo quy định của pháp luật; khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng nghĩa trang và sử dụng các hình thức táng mới văn minh hiện đại, góp phần thay đổi tập quán cũ, tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường. Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang được Nhà nước cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất. Nhà nước còn hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào; hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tùy theo quy mô, hình thức đầu tư công nghệ được áp dụng và tác động đến môi trường của dự án; hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
(Theo Nghị định 35/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang) |