Quy định chặt chẽ việc tiếp
nhận các tài sản cho, biếu, tặng
Theo chương trình, sáng 4/4, các đại biểu đã
thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Dự án Luật quản lý,
sử dụng tài sản Nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đổi tên
thành Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Tại hội nghị, đa số đại biểu đồng ý về phạm vi
điều chỉnh của dự án luật; thống nhất tên của Dự thảo luật là Luật quản lý, sử
dụng tài sản công để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.
Tại phiên họp, báo cáo về một số vấn đề mới
phát sinh, trong đó có việc quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu tặng, Chủ nhiệm
Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, vừa qua dư luận xã hội đã
phản ánh về việc một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô
tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định. Dẫn đến, việc một số cơ
quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho,
biếu, tặng, do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài
sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính –
ngân sách cho biết: Pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định
29/2014/NĐ-CP) đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của
Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước
đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối
tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận
quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ,
tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích
rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ
quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo
quy định của pháp luật. Dự thảo luật quy định việc giao tài sản công cho cơ
quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức
sử dụng tài sản, thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài
sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu
toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân cho, tặng các
cơ quan, đơn vị của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Nhiều ý kiến cho
rằng, việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng trong thời gian vừa qua không
nhiều, nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc
thực hiện các quy định của pháp luật (Nghị định của Chính phủ) chưa nghiêm. Do
đó, cần bổ sung các quy định về điều kiện được tiếp nhận, xử lý đối với các
loại tài sản cho, biếu, tặng tại văn bản dưới luật vào Dự thảo luật, theo
hướng: nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho
cá nhân dưới hình thức cho, biếu, tặng; chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản
trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên
dùng như: xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu
khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai....
Thảo luận về vấn đề này, một số vị đại biểu đề
nghị phải làm rõ mục đích cho biếu tặng và mục đích sử dụng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực
Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng tình cho rằng cần phải quy định chặt chẽ hơn
vấn đề này, bởi ranh giới cho việc sử dụng tài sản được cho, biếu, tặng vào mục
đích công và nhu cầu cá nhân trong những trường hợp này rất khó xác định, dễ
nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Nếu là doanh nghiệp tặng, cho tài sản thì sẽ
phát sinh tình trạng đối xử mất công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng tham
gia một dự án, trên cùng một địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) thì đặt
câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp chỉ cho, tặng, biếu ô tô mà không cho tặng
biếu tài sản khác như bệnh viện, trường học, cầu đường, nhà tình nghĩa. Đó là
những tài sản rất có ý nghĩa với cuộc sống của cộng đồng, của người dân. Nếu
cho và nhận những “món quà” đó, dư luận không có gì phải bức xúc.
Người bị thiệt phải chứng minh
những thiệt hại thực tế của mình?
Chiều nay, các đại biểu thảo luận về dự thảo
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu đã góp ý về
phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Về nguyên tắc bồi thường và giải
quyết bồi thường nhà nước; Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn
ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước
với hai trường hợp. Cụ thể, trường hợp thứ nhất là ra quyết định xử lý sai nội
dung khiếu nại tố cáo và có biểu hiện bảo vệ hành vi của người bị tố cáo.
Trường hợp thứ hai là việc ra quyết định bán đấu giá tài sản nhưng có điểm sai
sót không thi hành án, không bàn giao được tài sản cho đối tượng đấu giá. “Thực
tế đã xảy ra ở Quảng Bình, luật bán đấu giá người ta đã mua rồi nhưng hơn 1 năm
vẫn không thi hành án được. Sau 1 năm, tiền lãi suất và tiền ý định xây dựng
các đề án không thực hiện được thì phải đưa vào bồi thường” – ông nói.
Về cơ quan giải quyết bồi thường, ông nhận
định, dự luật mới quy định phần lớn là cơ quan nhà nước, còn chi phí bồi thường
cá nhân thì không có. Ông thẳng thắn phát biểu: “Nhà nước cứ bao hết thì khi ở
cương vị Tòa và Viện thì tôi có thể cố ý làm sai vì cũng không phải bồi thường.
Vì vậy phải quy định cơ quan và cá nhân có trách nhiệm bồi thường, chứ không
phải nhà nước hoàn toàn”.
Liên quan đến kinh phí bồi thường, ông cũng
cho rằng nếu luật chỉ quy định nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí để bồi
thường thì trách nhiệm cá nhân sẽ bị bỏ lọt. Do đó, ông đề nghị phải quy định
nhà nước và cá nhân làm sai phải bỏ ra khoản kinh phí để bồi thường.
Đồng tình với nhiều quy định tại dự luật, song
đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng muốn bảo đảm thực hiện nguyên tắc bồi
thường nhanh chóng, công khai, minh bạch thì phải xác định được giá trị pháp lý
đối với quyết định giải quyết của Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường
nhà nước. “Có giá trị là phải coi như một bản án. Khi Thủ trưởng cơ quan có trách
nhiệm bồi thường ra quyết định thì phải giải quyết ngay” – ông nói. Ông cũng
nêu thực tế, thông thường khi chi trả kinh phí bồi thường thì cơ quan tài chính
phải xác minh, kiểm tra lại mà thời gian kiểm tra, xác minh sẽ ảnh hưởng tới
thời hạn chi trả. Để khắc phục tình trạng trên, ông đề nghị ngoài 6 thành phần
thương lượng bồi thường trong dự thảo thì bắt buộc phải có cơ quan tài chính
tham gia thương lượng.
Quan tâm tới quyền và nghĩa vụ của người bị
thiệt hại, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) bày tỏ không ủng hộ dự luật quy
định người bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại thực tế của mình
được bồi thường theo quy định tại Luật này và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt
hại thực tế và hành vi gây thiệt hại. Theo ông, quy định như vậy rất khó khăn
cho người bị thiệt hại xác định dược mức độ được bồi thường khi phải tìm chứng
cứ chứng minh thiệt hại. Mặt khác, trong thực tế cuộc sống cho thấy, không ai
dám chắc chắn rằng người phạm tội bị kết án có thể biết mình chắc chắn bị oan
sai mà chủ động thu thập những chứng cứ chứng minh thiệt hại cho mình hoặc
người thân. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, kịp thời trong việc giải quyết
bồi thường đề nghị cần xem xét quy định theo hướng trong hoạt động thụ lý hồ sơ
yêu cầu bồi thường thì chứng minh thiệt hại không phải là yêu cầu bắt buộc, mà
có thể cần có mức khung cho từng hoạt động bồi thường. “Nếu không quy định như
vậy mà vẫn theo dự luật thì chắc chắn sau khi bị khởi tố, mỗi gia đình người
phạm tội phải chuẩn bị để thu thập chứng cứ dù không biết mình có bị oan sai
không. Vấn đề này thực tế thời gian qua cho thấy việc thu thập chứng minh mình
bị oan sai rất khó khăn, là không thể. Có trường hợp rất nhiều năm mới biết
mình bị oan sai” – ông phát biểu.
Về thành phần thương lượng bồi thường, đồng tình
với ý kiến trước đó của đại biểu Trần Văn Quý, ông đề nghị bổ sung thêm thành
phần cơ quan gây thiệt hại, cơ quan tài chính./.