Nghiệm thu, đưa vào khai thác đập tạm Thành Triệu

28/02/2021 - 19:13

BDK - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành có liên quan, UBND huyện Châu Thành vừa tổ chức nghiệm thu hoàn thành giai đoạn xây dựng đập tạm Thành Triệu và bàn giao đưa vào khai thác.

Đập tạm Thành Triệu.

Đập tạm Thành Triệu.

Công trình đập tạm Thành Triệu gần khu vực Cầu Đò, được khởi công vào ngày 7-2-2021, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Quy mô công trình xây dựng theo phương án thiết kế sơ bộ, khung đập bằng thép hình, thân đập bằng cừ larsen SPIV, chiều dài đập 30m, tổng kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng. Công trình hợp long vào ngày 13-2-2021.

Công trình xây dựng hoàn thành, người dân xã Thành Triệu rất phấn khởi. Mùa khô hạn mặn năm rồi, vườn bưởi nhà ông Lê Văn Đừng ở ấp Chợ, xã Thành Triệu, bị nhiễm mặn, các mương trong vườn đều cạn khô. 2 công bưởi 8 năm tuổi của ông bị mất sức, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái. Mùa hạn mặn năm nay, ông phấn khởi hơn vì đã có đập ngăn mặn. Ông Đừng nói: “Bà con ở đây rất mừng, ngăn mặn như vậy mới đúng là ngăn mặn trữ ngọt được, chứ năm rồi mương cạn queo hết”.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Tiền cho biết: “Đập Thành Triệu có vai trò quan trọng, là 1 trong những đập chính ngăn mặn trữ ngọt cho một vùng gồm các xã: Tiên Thủy, Thành Triệu, An Hiệp, Sơn Hòa (Châu Thành), Sơn Đông (TP. Bến Tre). Ngoài  phục vụ sản xuất còn cung cấp nước sinh hoạt cho các nhà máy nước trong khu vực, đặc biệt là nhà máy nước của tỉnh (cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trong vòng 2 tháng mùa hạn mặn)”.

Để phòng xâm nhập mặn từ phía sông Ba Lai vào khu vực trữ nước của tỉnh thay vì đắp đập tạm trên sông Ba Lai như năm rồi thì năm nay, UBND tỉnh giao Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đắp các đập gồm đập sông Mã của xã Tam Phước, đập Cầu Sữa và đập Tam Dương, xã Tường Đa, các đập này đã thực hiện xong; đập tạm Thành Triệu giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thực hiện. Đắp các đập này đã tạo nên vùng khép kín trữ nước ngọt để phục vụ cho các nhà máy nước của tỉnh và các nhà máy nước trên địa bàn huyện Châu Thành. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã đắp hơn 20 đập. Đến thời điểm này, người dân đã yên tâm hơn trong công tác ứng phó hạn mặn.

Tin, ảnh: Hoàng Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN