Nghiệp đoàn nghề cá Bình Thắng với nhiều cái nhất

14/08/2012 - 16:49
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Đại trao quyết định cho Ban Chấp hành lâm thời.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Bình Đại cho ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thắng (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) đúng vào dịp Lễ hội Kỳ yên Lăng Ông Nam Hải. Trước sự kiện trên, nhiều chủ tàu và ngư dân phấn chấn bởi, niềm vui đến với họ đã được nhân lên gấp bội.

Anh Nguyễn Văn Tới là một trong bảy ngư dân được chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời, giữ chức danh Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thắng. Anh tâm sự: Tuy mới gia nhập, nhưng tổ chức công đoàn đã giúp tôi và 146 đoàn viên công đoàn trực thuộc Nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận nhiều kiến thức bổ ích. Ban Vận động thành lập nghiệp đoàn nghề cá của huyện đã tiếp xúc trực tiếp từng ngư dân để tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, ngư dân quyết định tự nguyện xin gia nhập tổ chức công đoàn. Ngư dân đến với nghề đánh bắt hàng chục năm nhưng mối quan hệ lao động với chủ tàu chỉ là hợp đồng miệng. Ngư dân có thể bỏ chủ tàu này sang lao động cho chủ tàu khác bất cứ lúc nào. Họ cũng không được hưởng các chế độ, chính sách từ các chủ tàu theo quy định của pháp luật. Đối với chủ tàu, họ gặp khó khăn trong việc ổn định lực lượng lao động để đảm bảo cho từng chuyến ra khơi.

Nghiệp đoàn nghề cá ra đời đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục bất cập này. Ngư dân gần gũi nhau hơn, đoàn kết, giúp đỡ vượt qua khó khăn trong đánh bắt. Đối với chủ tàu, khi thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách cho ngư dân. Từ đó, hình thành mối quan hệ hài hòa, ổn định và sản lượng đánh bắt sẽ tăng lên. Ngư dân là đoàn viên công đoàn sẽ được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Rõ nét nhất là ngay buổi lễ thành lập, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn và LĐLĐ huyện Bình Đại đã vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc điều trị miễn phí cho hơn 200 ngư dân; hỗ trợ học bổng cho 20 học sinh là con của ngư dân (500 ngàn đồng/em); trợ cấp khó khăn 20 ngư dân (300 ngàn đồng/người). Ngư dân Nguyễn Văn Đực khó khăn về nhà ở được hỗ trợ 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ mái ấm công đoàn để gia đình “an cư, lạc nghiệp”.

Bình Thắng là nghiệp đoàn nghề cá thứ 3 của huyện Bình Đại và thứ 6 của tỉnh được thành lập. Điểm nổi bật là Nghiệp đoàn ở một xã có nhiều cái nhất. Xã có tổng số 613 tàu, trong đó có 573 tàu đánh bắt xa bờ. Cơ cấu kinh tế chủ yếu của xã là ngư nghiệp, với trên 70% dân số sống dựa vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đánh bắt được công nhận là nghề truyền thống, tiếp nối qua nhiều thế hệ và không ngừng phát triển, trở thành kinh tế chủ lực của xã. Bình Thắng có số lượng tàu đánh bắt chiếm trên 91% tổng số tàu đánh bắt xa bờ của huyện. Trong những năm gần đây, các chủ tàu đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật đánh bắt theo hướng hiện đại; năng lực đánh bắt của ngư dân được nâng lên. Trong năm 2011, 26 tàu đóng mới đều là tàu đánh bắt xa bờ. 6 tháng đầu năm 2012, có thêm 27 tàu đóng mới và 10 tàu nhỏ cải hoán sang tàu lớn. 16 tổ, đội sản xuất, với 160 tàu được thành lập để liên kết đánh bắt trên biển. Năm 2011, sản lượng đánh bắt là 50.600 tấn tôm, cá các loại. 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng đánh bắt khoảng 21.550 tấn tôm, cá các loại.

Một thế mạnh nữa của Bình Thắng là năm 2007, Cảng cá được đưa vào hoạt động. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, thu hút đông đảo tàu thuyền của xã và các tỉnh lân cận cặp cảng. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm.

Ông Võ Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Bình Thắng tập trung khai thác thế mạnh đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn ngư dân tổ chức đánh bắt theo mô hình tổ, đội liên kết sản xuất, và khuyến khích ngư dân đầu tư cải hoán nâng công suất tàu thuyền theo hướng đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nghiệp đoàn nghề cá Bình Thắng thành lập là điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng về Luật Biển, đảo cho chủ tàu và ngư dân, giúp họ nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của chiến lược biển về chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Ngư dân khi tham gia khai thác trên biển, cần ý thức cảnh giác, bảo vệ quyền lợi, tài sản của chủ tàu, bảo vệ vùng biển Việt Nam và tôn trọng chủ quyền, biển đảo của các nước. LĐLĐ huyện thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ để Nghiệp đoàn hoạt động đúng chức năng, đạt hiệu quả. Các ngành chức năng chung sức cùng Nghiệp đoàn quan tâm giúp gia đình ngư dân ổn định cuộc sống, con em được học tập, vui chơi để ngư dân an tâm lao động dài ngày trên biển.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN