Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hối thúc Nga và Mỹ gia hạn START

22/08/2019 - 13:18

Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh quan chức Nga và Mỹ đã thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí và khẳng định sự nguy hiểm của chạy đua vũ trang. Vì vậy, ông kêu gọi hai nước nỗ lực gia hạn START-3.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21-8-2019, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lên tiếng kêu gọi Nga và Mỹ làm tất cả để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, còn gọi là START-3, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

Theo phóng viên TTXVN Moskva, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh quan chức hai nước đã thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí và khẳng định sự nguy hiểm của chạy đua vũ trang. Vì vậy, ông kêu gọi Nga và Mỹ nỗ lực gia hạn START-3.

Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc thảo luận các vấn đề ổn định chiến lược không chỉ với Mỹ mà còn với các nước châu Âu nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Theo ông, cộng đồng thế giới đang nhìn thấy nguy cơ đổ vỡ cấu trúc ổn định chiến lược kéo theo vòng xoáy chạy đua vũ trang mới.

Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga và Đức cũng thảo luận tình hình tại Syria, triển vọng hợp tác trong khuôn khổ định dạng Nhóm Normandy (gồm Ukraine, Nga, Đức, Pháp) về giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Giới chức Mỹ cho rằng START-3 là hiệp ước có thiếu sót và lỗi thời, có thể bị hủy bỏ khi hết hạn vào năm 2021 để thay thế bằng một hiệp ước mới.

Hiện, Mỹ chưa có quyết định chính thức về vấn đề gia hạn START-3, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

Tuy nhiên, theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, có khả năng hiệp ước này sẽ không được gia hạn.

Quan chức Mỹ nêu rõ hiệp ước trên không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn hay hệ thống phóng mới của Nga, bởi vậy cần tập trung vào điều gì "tốt hơn," thay vì gia hạn một thỏa thuận chưa hoàn thiện.

START-3 được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai.

Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm.

Nga coi START mới là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới," song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN