Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) tới Tel Aviv, Israel ngày 18-8-2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Phát ngôn của ông đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas bày tỏ sự hoài nghi về tiến triển trong các cuộc đàm phán.
“Đây có lẽ là cơ hội tốt nhất, có thể là cơ hội cuối cùng, để đưa các con tin trở về nhà, đạt được lệnh ngừng bắn và đưa mọi người vào con đường tốt hơn để đạt được hòa bình và an ninh lâu dài", đài truyền hình CNN dẫn lời Ngoại trưởng MỹAntony Blinken trong một cuộc họp báo cùng với Tổng thống Israel Isaac Herzog tại Tel Aviv.
"Đã đến lúc mọi người phải đồng ý và không tìm bất kỳ lý do nào để nói không. Đã đến lúc đảm bảo rằng không ai thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể làm chệch hướng tiến trình này", Ngoại trưởng Blinken nêurõ.
Cũng trong cuộc họp báo với Tổng thống Herzog, Ngoại trưởng Blinken nhận định đây là một "khoảnh khắc căng thẳng" đối với Israel vì lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc tấn công từ Iran và các lực lượng thân với nước này, bao gồm Hezbollah ở Liban.
"Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng không có sự leo thang, không có hành động khiêu khích, không có hành động nào có thể khiến chúng tôi không đạt được thỏa thuận này, hoặc làm leo thang xung đột đến những nơi khác và ở mức độ dữ dội hơn", Ngoại trưởng Blinken nói.
Ngay sau khi gặp Tổng thống Israel, Ngoại trưởng Blinken đã đến Jerusalem để gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông cũng dự kiến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Trước đó, trong hai ngày đàm phàn căng thẳng tại Doha vào tuần trước, Mỹ cùng Qatar và Ai Cập đã vạc ra một kế hoạch ngừng bắn mới. Các nhà trung gian đã tăng cường nỗ lực khi Trung Đông đang đứng trước nguy cơ lớn cho một cuộc tấn công có thể xảy ra của Iran vào Israel, và khi số người chết do cuộc chiến kéo dài hơn 10 tháng tại Gaza đã lên tới 40.000 người.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken được cho là nhằm mục đích gây áp lực công khai cấp cao xung quanh nhu cầu đạt được thỏa thuận. Ngày 19-8, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết ông đến Israel như "một phần của nỗ lực ngoại giao sâu sắc hơn theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden nhằm cố gắng đưa thỏa thuận này vượt qua giới hạn".
Các quan chức Mỹ đã lên tiếng lạc quan về triển vọng của "đề xuất bắc cầu". Tuy nhiên, vào tối 18-8, Hamas và Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau cho rằng một thỏa thuận có thể vẫn còn rất xa vời.
Theo Hamas, đề xuất mới nhất được đưa ra sau các cuộc thảo luận giữa các bên trung gian tại Doha không bao gồm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và đưa ra các điều kiện mới về trao đổi tù nhân, cùng với các vấn đề khác.
Nhóm này đổ lỗi cho Thủ tướng Netanyahu vì đã "cản trở" việc đạt được thỏa thuận và tái khẳng định mong muốn ban hành đề xuất ba giai đoạn do Tổng thống Biden đưa ra, bao gồm việc thả con tin khỏi Gaza, "ệnh ngừng bắn hoàn toàn và toàn diện cũng như thả tù nhân Palestine bị giam giữ tại Israel.
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu phản pháo, nói rằng Israel sẽ không nhượng bộ yêu cầu của Hamas về việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza như một điều kiện của thỏa thuận.
Những điểm bế tắc quan trọng khác trong các cuộc đàm phán bao gồm việc Israel khăng khăng kiểm soát biên giới giữa Gaza và Ai Cập, có quyền phủ quyết về việc thả tù nhân Palestine và ngăn chặn việc di chuyển của những người có vũ trang từ miền Nam Gaza lên phía Bắc.
Bất chấp những hoài nghi, Tổng thống Biden cùng ngày cho biết ông tin rằng một thỏa thuận "vẫn có thể xảy ra".
"Chúng tôi không bỏ cuộc", nhà lãnh đạo Bnói với các phóng viên. Một quan chức Mỹ ngày 19-8 cho biết các cuộc đàm phán vẫn được dự kiến tiếp tục vào tuần này theo kế hoạch.
Nguồn: TTXVN