Ngôi trường thân thiện, đầy tình thương

07/10/2008 - 09:28

Cây hoa sữa do đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Phó Thủ tướng Chính phủ trồng lưu niệm ngày khánh thành trường (15-10-2004).

Đến xã Phước Thạnh (Châu Thành), theo tuyến lộ chính của xã thẳng về hướng kinh Chẹt Sậy khoảng gần 2 km, ngôi trường của tình thương mẹ con hiện ra trước mặt.

Khuôn viên cây xanh bắt mắt, với những đồ chơi ngoài trời rực rỡ sắc màu, kích thích sự hiếu kỳ, hiếu động của trẻ. Chẳng thế mà hàng năm, tỷ lệ HS đến trường đều tăng cao. Trong 3 năm học (từ 2005-2006 đến 2007-2008), trẻ từ 0-2 tuổi đến trường tăng từ 25,75% lên 41,04%; trẻ từ 3-5 tuổi tăng từ 76,19% lên 92,89%; trẻ 5 tuổi luôn đạt 100%. Để có được những kết quả đó, sự quyết tâm của tập thể nhà trường là không nhỏ. Từ những ngày đầu tách ra từ Trường Tiểu học, Mẫu giáo Trần Văn Ơn cũng những điều kiện như mẫu giáo vùng xa, cơ ngơi bằng tre lá, bàn ghế HS có một số đóng bằng cây tạp, phần nhiều bị mối mọt hư cũ, không có văn phòng riêng, sân chơi riêng. Giáo viên đa số là người địa phương, nhưng chỉ đơn thuần là đến trường dạy rồi về, các phong trào thi đua hạn chế. Tỷ lệ huy động HS thường đạt mức dưới 50%, trong khi đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng cao trên 25%. Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình HS lỏng lẻo, chỉ tập trung một vài vị do có con cháu học ở trường nhiều năm. Năm 2004, khi Công ty Đầu tư cơ sở hạ tầng Việt-Nga hỗ trợ trường một khung chính tại ấp 2, với những phòng học khang trang, thoáng mát, thì bộ mặt mầm non dần được cải thiện. Đó cũng là thời điểm toàn ngành giáo dục tập trung đầu tư cho giáo dục mầm non. Mẫu giáo Trần Văn Ơn đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Ý thức xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được hình thành, trên cơ sở những thành quả đạt được qua từng năm học. Đặc biệt, trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến trường, trẻ được ăn chín, uống chín, khẩu phần ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng theo quy định năng lượng. Nhà trường thực hiện tính dưỡng chất 3 lần/năm để theo dõi dinh dưỡng cho trẻ. Thực đơn được thay đổi trong tuần, tận dụng được nguồn thực phẩm ở địa phương. Hàng ngày, nhà trường tổ chức lưu mẫu thức ăn và lập sổ theo dõi, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thức ăn. Kể cho chúng tôi nghe về tình hình của trường, hiệu trưởng Nguyễn Thị Anh Đào không kềm được xúc động. Có cháu vì nghèo, đến trường ăn ngon hơn ở nhà. Bé Hà Vy, 21 tháng, mới ở trường từ đầu tháng 9 đến nay, đã lên 2kg. Có trẻ là con của người làm nghề xé lá chuối (xé những tàu lá chuối khô trong vườn để bán), nhưng vẫn được vui đùa với các bạn trong nhóm lớp. Một lần ngẫu nhiên đến thăm trường, thiện cảm đầu tiên của chúng tôi là một số cháu mẫu giáo tự giác vòng tay: “Chào cô!”. Dễ thương làm sao, xúc động làm sao! Muốn được vậy, chắc phải cần sự trì chí gắn kết giữa cô và mẹ chu đáo lắm. Cô Anh Đào cho biết, những trẻ con nhà nghèo, trường vẫn thu tiền ăn 10 ngàn đồng/ngày, nhưng trường làm tham mưu tích cực để xã hội, các đoàn thể cùng “phụ” cho cháu. Hàng ngày, các “Mẹ thứ hai” đều gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khỏe của trẻ. Những năm qua, 100% trẻ được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ phát triển, cân đo mỗi quý và khám sức khỏe 2 lần/năm. Trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Lập góc tuyên truyền ở trường, ở lớp; họp phụ huynh đầu năm, giữa học kỳ; phối hợp với hội phụ nữ, trạm y tế phổ biến kiến thức nuôi dạy con theo khoa học, cách chế biến thức ăn, cách phòng ngừa một số bệnh thông thường thông qua các hoạt động ngoại khóa và tổ chức các hội thi. Năm học vừa qua, tỷ lệ trẻ chuyên cần 99,14%, bé khỏe bé ngoan 96,28%, trong đó có 18 trẻ đạt BKBN vòng trường và 5 trẻ đạt vòng huyện, trẻ kênh A 99,1%, không có kênh C, 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Điều đáng mừng của trường là đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất đã hoàn chỉnh. Với tổng số 13 CB-GV, trường nhận nuôi dạy cho 113 cháu, ở 4 ấp, tại 3 khung trường. Riêng khung chính (ấp 2) có nhóm nhà trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi. Tất cả GV đều đạt chuẩn, trong đó có 6 cô đã và đang được đào tạo CĐSP Mầm non. Tất cả các cô đều hết lòng yêu thương trẻ, có tính tập thể, kỷ luật nghiêm. Hiệu trưởng Anh Đào kể về cô bảo mẫu Thúy với sự ngợi khen. Buổi trưa, cô Thúy ngồi một mình trong tư thế dang rộng cả đôi cánh tay và chân, để dỗ dành cùng lúc ba, bốn trẻ. Bởi, mỗi cháu có một thói quen riêng trước khi ngủ, mà khi mới vào trường cháu chưa thích nghi kịp, thì “việc làm cho cháu ngủ ngon là chuyện cô phải làm”-Cô Thúy nói.

Diện tích trường rộng rãi, thoáng mát, với sân chơi tráng xi –măng sạch sẽ, phòng học thích nghi (36 đến 49m2/phòng) cùng nhiều đồ chơi ngoài trời, càng làm cho môi trường sư phạm nâng cao giá trị của mình hơn ở một vùng nông thôn xa của huyện Châu Thành. Giải phóng được chuẩn cơ sở vật chất, Mẫu giáo Trần Văn Ơn tiến nhanh đến danh hiệu trường chuẩn quốc gia trên nền của nhiều chuẩn khác- nhất là chuẩn chất lượng. Và, Quyết định của tỉnh công nhận trường đạt chuẩn, hồi tháng 6-2008, đối với trường Mẫu giáo Trần Văn Ơn càng tạo thêm sức bật mới cho trường trong việc xây dựng trường học thân thiện, mà trường đang bắt tay vào thực hiện từ năm học này.

Bài, ảnh: Huyền Anh Thơ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN