Ngọt ngào hương vị nước mắm rươi

03/01/2013 - 17:20
Chị Hồng đang trộn rươi để làm nước mắm.

Lúc còn nhỏ, người bà con ở dưới quê có đem cho gia đình tôi một vài lít nước mắm dời (rươi) ăn lấy thảo. Mỗi khi dùng bữa, cha mẹ tôi thường tấm tắc khen ngon miệng. Riêng tôi, nhìn thấy màu đo đỏ và ngửi mùi không thơm (so với một số loại nước mắm đặc biệt khác) nên không thích lắm. Lớn lên, có dịp thưởng thức nước mắm rươi, cảm nhận được vị ngon dịu, đậm đà của nó tôi thấy tiếc nênụ quyết tìm hiểu về loại nước mắm quý hiếm này.

Ông Phan Văn Võ (70 tuổi, ngụ tại ấp Thới Lợi 2 - xã Thới Thuận -  Bình Đại) chia sẻ: “Lúc tôi còn trai trẻ, tới mùa rươi nổi, mới hai, ba giờ sáng thì đã nghe tiếng thùng thiếc của người dân đi vớt con rươi khua vang cả xóm”. Bấy giờ, người đi vớt rươi bằng xuồng, đem theo vợt tự chế, cán vợt được làm bằng cây, phễu làm bằng lưới mùng có đường kính khoảng 6 tấc (hình tròn hoặc hình vuông); dụng cụ để đựng con rươi chủ yếu là thùng thiếc (dùng gánh nước) khoảng 20 lít/thùng. Thông thường, rươi chỉ xuất hiện trong đập (ao) nuôi tôm vào lúc sáng sớm theo con nước ngày 15 hoặc con nước ngày 30 vào các tháng 11 (âm lịch) cho đến tháng Giêng là hết. Mỗi lúc xuất hiện, hàng triệu triệu con quấn lấy nhau thành búi tròn, xoay vòng tròn va người ta chỉ chờ đợi thời cơ này là nhanh tay vớt lấy. Đối với người nhiều kinh nghiệm, khi thấy có “dấu hiệu” sẽ có rươi nổi lên thì họ đã lo chuẩn bị sẵn phương tiện, dụng cụ để đi vớt rươi. Ngày nay, con rươi không còn nhiều như xưa nữa, số người đi vớt rươi cũng đã luống tuổi. Bà Tư Ngộ (82 tuổi), cho biết: “Rươi chỉ nổi lên theo con nước nhất định, nếu như tháng này nhằm vào ngày 15 thì tháng sau cũng là ngày 15 hoặc tháng này là ngày 30 thì tháng sau cũng là ngày 30. Điều đặc biệt của con rươi là trong lúc bị phơi nắng sình lên nhưng không hề bị ruồi, nhặng gì tới bu, đậu cả”.

Chúng tôi đến nhà của bà Lê Thị Cúc (ấp Thới Lợi 2), gặp lúc chị Hồng (cháu bà Cúc) đang dùng cây trộn một lu sành chứa đầy rươi bên hông nhà. Gia đình bà vớt được khá nhiều rươi trong con nước 30 vừa qua. Bà Cúc vui vẻ: “Mấy bữa trước, cháu của tôi vớt được non 10 đôi rươi, tôi bán bớt đi vài đôi nên chỉ còn hơn phân nửa. Cũng hên… may nhờ sắp nhỏ phát hiện ổ rươi sớm, nếu chậm thì chúng đi hết”. Theo thời giá hiện tại, khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh tới địa phương mua với giá từ vài trăm ngàn đồng đến một triệu đồng/đôi (một đôi tương đương với thùng 20 lít x 2 = 40 lít), nhưng không có hàng để bán. Một số người làm nước mắm rươi lâu năm cho biết, môi trường bị ô nhiễm do nuôi tôm công nghiệp (sử dụng nhiều chất hóa học, nguồn nước bẩn) nên con rươi không có nhiều như xưa nữa. Tại Bến Tre, các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú trước đây rươi xuất hiện rất nhiều nhưng giờ thì rất hiếm.

Theo kinh nghiệm của một số người dân xã Thới Thuận, rươi được vớt lên đem về nhà đổ vào lu bằng sành (thường gọi là kiệu) cho chết; sau đó, đổ muối hột vào với tỷ lệ 6 lít muối/một đôi rươi, có thêm nửa thùng nước ao (đập) hoặc có thể nhiều muối hơn; xong đem phơi nắng khoảng 20 đến 30 ngày cho rươi tự phân hủy (cách một, hai ngày dùng cây trộn đều, nhớ đậy kín mỗi khi trời mưa). Sau khi rươi phân hủy, nếu sản xuất nước mắm rươi theo phương pháp nấu, người dân tiến hành nấu lần thứ nhất (có phương cách lọc riêng); sau đó, tiến hành nấu lần hai, vớt bọt đen, để nguội và đem vào bồn chứa để ăn dần. Đối với phương pháp sản xuất nước mắm rươi day nắng (phơi nắng, không nấu), tỷ lệ pha chế muối cũng tương tự nhưng không đem nấu mà phơi nắng nhiều ngày (không để nước mưa lọt vào), người làm cần chú ý theo dõi để trộn đều và dùng vợt vớt xác rươi phân hủy đem bỏ; nước mắm day nắng để càng lâu ăn càng ngon.

Con rươi, ngoài công dụng làm nước mắm còn được dùng để làm các món ăn như: chả rươi, rươi xào, rươi hấp, canh rươi… với nhiều hương vị đậm đà, đặc sắc khác nhau và vô cùng bổ dưỡng. Theo các tài liệu y học: trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4 lipid, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo. So với thịt bê nạc, giá trị dinh dưỡng của rươi không kém hơn (trong 100g thịt bê nạc có 78,2g nước, 20g protid, 0,5g lipid, 1,3g tro cung cấp được 87calo). Ngoài ra, trong rươi còn có nhiều loại muối khoáng, như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%)…

Vào dịp lễ, Tết, niềm vui của người dân quê biển là có được một vài xị nước mắm rươi, đặc sản của quê nhà, gửi tặng cho người thân. Với hương thơm đằm thắm, vị ngọt tự nhiên và dồi dào nguồn đạm, chắc chắn rằng nước mắm rươi sẽ là loại nước chấm được ưa chuộng đối với mọi người.

Bài, ảnh: Đức Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN