Ngư dân gặp khó khi sử dụng thiết bị giám sát hành trình

19/09/2022 - 07:59

BDK - Qua thời gian triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá, tỉnh thực hiện đạt gần 98%. Tuy đã lắp đặt thiết bị GSHT, nhưng một số chủ tàu vẫn gặp trở ngại khi sử dụng thiết bị này.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra tàu cá trên hệ thống giám sát tại Cảng cá Ba Tri.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra tàu cá trên hệ thống giám sát tại Cảng cá Ba Tri.

Thường xuyên mất tín hiệu

Thời gian qua, chủ tàu trong tỉnh tích cực hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị GSHT để hoạt động đánh bắt thuận lợi. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý của ngành chuyên môn đối với hoạt động chống đánh bắt bất hợp pháp. Toàn tỉnh có 2.008/2.062 tàu thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị GSHT, 54 tàu chưa lắp thuộc diện ngừng hoạt động (theo khai báo của chủ tàu). Đây là một trong những kết quả đạt được trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Sau thời gian lắp đặt sử dụng, bên cạnh những lợi ích thiết bị mang lại, nhiều chủ tàu tỏ ra bức xúc vì đang chịu đựng những bất cập do thiết bị GSHT gây ra. Bà Nguyễn Thị Điệp (An Thủy, Ba Tri) - chủ tàu mang biển số 97193 búc xúc nói: “Tháng 9-2021, tàu ra khơi hoạt động được 1 tháng mấy, nhận thông báo của Chi cục Thủy sản là tàu mất tín hiệu. Sau khi kết nối với thuyền trưởng thì biết thiết bị mất tín hiệu dù không có bất kỳ tác động nào. Ngay cả bản thân tôi là chủ tàu ở đất liền không biết thiết bị giám sát mất tín hiệu. Đang hoạt động trên biển, tàu không thể vào đất liền để sửa chữa ngay. Vì vậy, tôi phải giải trình và bị phạt hành chính do tàu mất tín hiệu trên 10 ngày khi đang khai thác. Điều này tôi thấy oan ức, rất mong ngành chức năng xem xét”.

Không riêng bà Điệp mà nhiều chủ tàu huyện Ba Tri có chung bức xúc vì tàu đang hoạt động khai thác ngoài biển đột ngột bị mất kết nối. Ông Đỗ Văn Oanh - chủ tàu có biển số 92856 cho biết: “Chủ trương của Nhà nước về lắp đặt thiết bị GSHT thì người dân chấp hành. Gắn mỗi thiết bị giá 21,5 triệu đồng chúng tôi vẫn tuân thủ để đảm bảo quy định. Nhưng thiết bị chỉ sử dụng khoảng 4 tháng hư phải thay cái mới, mỗi lần thay chủ tàu phải bù 2 triệu đồng. Chưa kể mỗi tháng phải đóng cước thuê bao khoảng 400 ngàn đồng. Khi hết tiền nhà cung cấp ngắt kết nối mà không có thông báo, khi kích hoạt lại phải tốn 800 ngàn đồng, chúng tôi không chịu nổi”.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có gần 10 đơn vị cung ứng thiết bị GSHT được chủ tàu lựa chọn để lắp đặt. Trong quá trình tàu hoạt động trên biển, các thiết bị này thường xảy ra một số lỗi mất kết nối. Theo phản ánh của chủ tàu, các lỗi thiết bị nói trên đều ghi nhận là thiết bị do Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh cung cấp.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Văn Cung cho biết: Trong thời gian qua, qua hệ thống giám sát vẫn phát hiện tình trạng thiết bị GSHT tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh mất tín hiệu. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ theo quy định của ngành chức năng. Khi xảy ra sự cố tàu cá bị mất tín hiệu kết nối, ngành chức năng lập tức thông báo qua hệ thống quan sát để tàu cá kịp thời giải trình. Đối với những trường hợp không hợp tác, khi tàu cá cập bờ, ngành chức năng sẽ lập biên bản để xử lý.

Theo quy định, ngoài việc đăng ký, đăng kiểm, tàu cá trước khi ra khơi đánh bắt buộc phải gắn thiết bị GSHT và đồng bộ thông tin tàu thuyền vào hệ thống của cơ quan quản lý. Thiết bị GSHT tàu cá là công cụ giúp ngành chuyên môn kiểm soát hiệu quả tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác hợp pháp. Qua đó, góp phần tích cực vào việc chống khai thác IUU, tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” mặt hàng thủy sản Việt Nam do Liên minh châu Âu (EC) đang áp đặt.

Để tháo gỡ khó khăn của các chủ tàu, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Ba Tri đã tổ chức đối thoại giữa ngư dân và đơn vị cung cấp thiết bị giám sát. Tuy nhiên, trong buổi đối thoại, phía Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh không đến tham dự. Sau khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chủ tàu, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đỗ Thanh Thuần cho biết: Trên cơ sở ý kiến của ngư dân, ngành chuyên môn sẽ làm việc với Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh để tháo gỡ khó khăn cho người dân.

 “Theo quy định, cá nhân, tổ chức cung cấp thiết bị không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng sẽ vi phạm Nghị định số 26/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thủy sản và Nghị định số 42/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Chính phủ”, Phó tham mưu trưởng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đỗ Thanh Thuần cho hay.

“Nếu tàu cá bị mất kết nối tín hiệu mà chủ tàu không kịp thời báo cáo về việc hư hỏng của máy GSHT sẽ được cho là chủ động tắt thiết bị GSHT để ngắt kết nối. Theo quy định, trong vòng 6 giờ đồng hồ, nếu thiết bị GSHT trên tàu cá bị hỏng, không chuyển dữ liệu được vào hệ thống thì thuyền trưởng phải tìm mọi cách liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Trong vòng 10 ngày nếu vẫn không khắc phục được thiết bị, thuyền trưởng phải cho tàu chạy vào bờ, nếu không tàu cá này sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN