Người dân nông thôn ngày càng ưa chuộng hàng Việt

14/08/2015 - 07:35

Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc vào cuối năm 2014.

Trước đây, người dân ở nông thôn đã quan tâm sử dụng hàng Việt, thì hiện nay sử dụng nhiều hơn, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Từ cuộc vận động …

Năm 2009, Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó đến nay, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Bến Tre tổ chức được 41 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại 8 huyện. 41 phiên chợ có 1.310 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với 2.239 gian hàng, có hơn 36.800 lượt người đến tham quan, mua sắm. Trong các phiên chợ, hầu hết đều có Siêu thị Co.opMart Bến Tre tham gia. Không những thế, Siêu thị Co.opMart Bến Tre còn tự thực hiện nhiều chuyến bán hàng Việt đến xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú; xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm; Khu Công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành… thu hút thêm hàng chục ngàn lượt người mua sắm hàng Việt.

Sau hơn 5 năm phát động, các chợ từ thành thị đến nông thôn đã bán hàng Việt ngày càng nhiều. Dạo quanh ở các chợ tại Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; Tân Phong, Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú; An Ngãi Trung, huyện Ba Tri; Thừa Đức, huyện Bình Đại… chúng tôi ghi nhận được khoảng 90% là hàng Việt. Đó là các sản phẩm: nồi, xoong, chảo hiệu Kim Hằng, ống nhựa Bình Minh, xà phòng OMO, bình nước cách nhiệt Duy Tân, sữa đậu nành Fami, quần áo may sẵn Việt Tiến, tô, chén, dĩa bằng nhựa melamine cao cấp của Việt Nam, thú nhồi bông sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh… Chị Trần Thị Phương Tâm, tiểu thương ở chợ xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú cho hay: Tôi đã nhiều năm bán sữa nhưng nhiều nhất là sữa do Việt Nam sản xuất, được khách hàng tại Tân Phong và các xã lân cận mua rất nhiều. Còn các loại sữa ngoại như: Ensure Gold, Ensure Grow, Gluncerna… rất ít khách mua. Ở Tân Phong có nhiều hộ khá, giàu nhưng họ không thích uống sữa ngoại nhập. Điều đó cho thấy người dân nông thôn ở đây rất ưa chuộng hàng Việt.

…Đến đời sống sinh hoạt và sản xuất

Tại ấp Giang Hà, xã An Điền, huyện Thạnh Phú, trong nhà chị Nguyễn Thị Kim Cương, hầu hết các vật dụng đều là hàng Việt. “Tôi rất ngại sử dụng hàng ngoại quốc vì mình không rõ nguồn gốc của nó. Hơn 5 năm qua, từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi rất ít khi mua đồ ăn, thức uống ngoại nhập. Nhiều năm qua và hiện nay, đối với món chiên, xào, tôi chỉ sử dụng dầu ăn Tường An” - chị Kim Cương nói.

Người dân ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cách TP. Bến Tre khoảng 70km cũng hưởng ứng tích cực cuộc vận động. Chị Trần Thị Kim Xoàn ở xã Thạnh Hải nói: “Con tôi nay 5 tuổi, từ nhỏ đến giờ, tôi cho bé chơi đồ chơi có xuất xứ từ trong nước. Dịp Tết Trung thu hàng năm, tôi chỉ cho bé chơi lồng đèn bằng giấy, khung tre”. Còn ông Lê Văn Sĩ ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú vừa giới thiệu căn nhà mới xây, vừa giới thiệu vật dụng trong gia đình: “Toàn bộ căn nhà của tôi, hàng Việt chiếm 95%. Đây là bóng đèn Điện Quang, ống nhựa Bình Minh. Còn bánh kẹo thì kẹo dừa Tuyết Phụng, bánh phồng Sơn Đốc, bánh dừa Giồng Luông… Tôi rất ngán ngại thực phẩm của nước ngoài, thưởng thức hàng Việt cho an toàn”. Anh Nguyễn Văn Xiêm, một nông dân ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc có con nhỏ khoảng 2 tuổi, cho biết: “Con tôi từ nhỏ đến lớn, ngoài sữa mẹ, chỉ cho uống thêm sữa của các công ty trong nước”.

Trong việc trồng trọt, người dân ở nông thôn chỉ sử dụng phân bón do Việt Nam sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hồng Vân - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh ở ấp 4, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm vừa thu hoạch bưởi vừa giới thiệu: “Gia đình tôi có 7 công đất. Năm qua, tôi cho bưởi ra trái rải vụ được 4,5 tấn, cam sành gần 3 tấn, quýt khoảng 0,6 tấn và gần 2 tấn chanh. Tôi thu về khoảng 150 triệu đồng, đó là nhờ bón phân Đầu Trâu. Phân bón của nước ngoài tôi ngại lắm”.

Nói về sử dụng hàng Việt trong gia đình, bà Võ Thị Thơ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạnh Phú cho biết: Để hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi thường xuyên vận động bằng mọi hình thức. Hình thức hiệu quả nhất là lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp tổ nhân dân tự quản. Kết quả hiện nay, gần 100% phụ nữ ở nông thôn tại Thạnh Phú luôn ưa chuộng hàng Việt vì rẻ, bền, đẹp và an toàn. 

“Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” có mục đích nâng cao ý thức của người dân về sử dụng hàng Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng tẩy chay hàng ngoại nhập kém chất lượng. Phiên chợ đầu tiên thực hiện tại huyện Mỏ Cày Bắc vào cuối năm 2009. Đến nay, hàng hóa tại các chợ xã trong toàn tỉnh, hầu hết là hàng Việt. Từ đó cho thấy, người dân nông thôn ngày càng ưa chuộng hàng Việt”.

(Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương)

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN