Ông Nguyễn Tiến Thật (Mỏ Cày Nam) có nhu cầu tư vấn: Cha mẹ tôi có 3 người con gồm: tôi là người sống với cha mẹ, em trai tôi đang định cư ở nước ngoài và người em gái đã kết hôn đang ở nhà bên chồng. Cha tôi bệnh mất năm 2015, mẹ tôi mất cuối năm 2017. Cả 2 ông bà đều không để lại di chúc. Cha mẹ tôi có căn nhà chung và 1,5ha đất vườn.
Xin hỏi: Anh em chúng tôi, ai là người được thừa kế căn nhà của cha mẹ? Còn đất vườn thì được chia thừa kế ra sao? Người em trai tôi (đang định cư ở nước ngoài) có được hưởng thừa kế hay không?
Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Cha, mẹ của ông Thật đã mất, không để lại di chúc thì di sản thừa kế của cha, mẹ ông sẽ được chia theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế được quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
+ Theo quy định tại Điều 651 BLDS năm 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a/ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b/ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
c/ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột; cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
+ Theo luật quy định thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Theo như ông Thật trình bày, hàng thừa kế thứ nhất chỉ có 3 anh em ruột của ông. Di sản của cha mẹ ông để lại gồm căn nhà và 1,5ha đất vườn sẽ được chia làm 3 phần bằng nhau.
+ Trường hợp người em trai ông đang định cư ở nước ngoài thì có thể có 2 trường hợp:
1/ Trường hợp em trai ông đang định cư ở nước ngoài, không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam (quy định tại Khoản 1, Điều 186, Luật Đất đai năm 2013) thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a. Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
b. Trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 179 của Luật Đất đai năm 2013 và phù hợp quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên bên tặng cho trong hợp đồng tặng cho.
c. Trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định, nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.
2/ Trường hợp em trai ông đang định cư ở nước ngoài, thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đất đai Việt Nam thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở (Khoản 3, Khoản 4, Điều 186 Luật Đất đai 2003.
H.Trâm (thực hiện)