Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

05/11/2023 - 18:00

Chị B.T.V có nhu cầu tư vấn: Tôi làm việc cho một công ty tư nhân được 9 tháng. Nay vì công việc gia đình nên tôi muốn xin nghỉ việc thì có cần phải báo cho công ty biết hay không? Thời gian tôi làm việc chưa được công ty mua bảo hiểm. Xin hỏi, trường hợp nào thì công nhân được giám đốc công ty mua bảo hiểm?

Thắc mắc của chị được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 thì người lao động (NLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 - 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng; đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo thông tin chị V cung cấp thì chị làm việc cho công ty thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân được 9 tháng. Tuy nhiên, chị không cung cấp chị làm việc theo HĐLĐ có thời gian bao lâu. Vì vậy, khi chị muốn nghỉ việc phải báo trước cho công ty biết trước theo thời gian như sau (tùy theo HĐLĐ mà chị đã ký kết với doanh nghiệp):

- Ít nhất 45 ngày, nếu HĐLĐ của chị là không xác định thời hạn.

- Ít nhất 30 ngày, nếu chị làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng.

- Ít nhất 3 ngày làm việc, nếu thuộc trường hợp HĐLĐ xác định thời hạn dưới 12 tháng.

Trường hợp NLĐ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm:

Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định: NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: a) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. b) Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 quy định về NLĐ phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi làm việc theo HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc như sau: a) HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. b) HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn. c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008, sửa đổi năm 2014 quy định đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do NLĐ và NSDLĐ đóng, bao gồm: NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là NLĐ)…

Như vậy, theo các quy định trên, NSDLĐ và NLĐ sẽ phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp:

- BHXH: khi các bên ký HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên;

- BHTN: các bên ký HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

- BHYT: nếu các bên ký HĐLĐ với thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.

Việc tham gia mua các loại bảo hiểm như BHXH, BHTN, BHYT của công ty (NSDLĐ) cho công nhân (NLĐ) là trách nhiệm của NSDLĐ và cũng là nghĩa vụ của NLĐ. Theo đó, tùy vào loại HĐLĐ mà NLĐ đã giao kết với NSDLĐ sẽ thể hiện mức đóng, mức hưởng các loại bảo hiểm này trên cơ sở quy định của pháp luật.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN