Người Mỏ Cày Bắc trên đất Bình Dương

04/09/2010 - 06:55
Ông Hai Hoàng tưới cam bằng hệ thống tưới tự động. Ảnh: T.D

Những vườn trái chín mọng, sai oằn trên vùng đồi ở Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xa tít là thành quả, công sức ngót chục năm trời của một người con Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Thiên thời, địa lợi, cùng ý chí của  con người đã biến đồng khô, sỏi đỏ thành vườn cây trĩu quả, trải dài trên vùng đồi của miền đất anh hùng – Bình Dương.

Ở cái tuổi đã gần lục tuần, nhưng ông Phạm Thế Hoàng – Hai Hoàng vẫn ngày ngày làm việc. Được xem là tỷ phú, nhưng ông vẫn là nông dân thứ thiệt. Mọi người thường nói ông là nông dân công nghiệp. Tất cả công việc làm đồng của ông đều được cơ giới hóa. Từ khâu làm cỏ đến phun thuốc, thu hoạch đều bằng máy.
Hơn 20ha cam trên vùng đất đỏ miền đông của ông Hai Hoàng xanh mướt, không thua gì cây cam ở đất Bến Tre. Mang trong mình tâm huyết và ý chí làm giàu, cuối năm 1999, một mình ông Hai Hoàng khăn gói lên Bình Dương để khẩn hoang lập nghiệp. Một số người làm ăn thất bại ở đất Bình Dương, nhưng ông thì ngược lại. Những cơn sốt rét rừng cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết không cản được bước chân ông. Những cánh đồng trắng, qua bàn tay của ông ngày một xanh tươi.
Nghĩ là làm. Không một điều gì ông chưa làm được. Một mình khẩn hoang, lập nghiệp và cũng chỉ một mình ông mới có ý chí đó. “Từ khi còn nhỏ, tôi đã có ước mơ làm giàu. Rồi chiến tranh, tôi phải thoát ly. Sau khi hòa bình lập lại, tôi tiếp tục thực hiện ước mơ đó”, ông Hai Hoàng chia sẻ.
Vườn cam của ông Hai Hoàng là đặc điểm để mọi người nhận biết vùng đất của dân Bến Tre lập nghiệp. Không phải ở quê ông không có đất để phát triển kinh tế. Tại Hòa Lộc, ông có trên 1ha đất trồng nhãn, thu nhập hàng năm không dưới 50 triệu đồng/ha. Nhưng như thế, không đủ đáp ứng ý chí làm giàu của người nông dân này.
Một mình ông Hai Hoàng quyết lòng ra đi trong khi mọi người trong gia đình không muốn. Ông mang theo những giống cây trồng và kinh nghiệm trồng cây có múi, biến những đồi trọc thành vườn sai, trái ngọt. “Bản chất người lính cùng với ý chí làm giàu nơi đất khách là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn” - Hai Hoàng tươi cười nói.
Cuộc sống nghèo khổ của gia đình cùng với ý chí được trui rèn trong quân đội đã hun đúc nên một Hai Hoàng kiên cường và cần mẫn. Đôi tay của ông chỉ còn hơn một bàn, nhưng ông đã làm “mềm” biết bao sỏi đá trên vùng đất đỏ. Khi mới khởi sự, ông Hai Hoàng nhận 10ha và trồng nhãn. Nhưng ông không chuyên canh đại trà cây nhãn mà trồng xen cam, quýt và bưởi. Đến năm 2001, ông  mua thêm 15ha, tiếp tục trồng cây có múi. Ông sử dụng máy móc để chuyển dần lao động thủ công sang cơ giới theo từng khâu. Có khâu, máy móc đảm nhận đến 90% như: hệ thống tưới tự động, máy cắt cỏ, phun thuốc. Lúc đầu do chưa có điện, ông đã đầu tư máy dầu để đưa nước tưới cho cây trồng. Năm 2005, khi Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, đường điện ba pha để thực hiện những cánh đồng giá trị cao, ông có điều kiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào vườn cây của mình. Ông quyết định đầu tư hệ thống tưới tự động bằng béc phun. Mỗi ha đất sử dụng hệ thống phun nước tốn chi phí 15 triệu đồng. Máy bơm nước có công suất 50 sức ngựa, đảm bảo nước tưới cho cả vườn. Trong vườn, ông xẻ rãnh, lên mô để thoát nước trong mùa mưa, tránh bị ngập úng. Từ đó, chi phí đầu tư cho vườn cam của ông giảm đáng kể. Ông Hai Hoàng so sánh rất đơn giản: “Lúc trước, một ngày tôi thuê chín công nhân tưới cho cả vườn, thì hiện nay chỉ còn lại hai người”.
Ông Hai Hoàng còn nghiên cứu xử lý cho cây trồng ra hoa nghịch vụ đạt 100%. Để làm được điều này, ông tính kỹ thời điểm, thời gian xiết nước và xử lý hoa, để đạt hiệu quả cao. Năm 2006, ông thu nhập gần 6 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí nhân công, phân bón, bình quân mỗi ha ông có lãi trên 200 triệu đồng. Và cũng trong năm 2006, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Từ đó đến nay, ông luôn giữ vững danh hiệu. Năm 2009, ông được UBND tỉnh Bình Dương tặng bằng khen Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, giai đoạn 2006 – 2009. Vườn cam của ông Hai Hoàng trở thành mô hình được nhiều nơi học hỏi và nhân rộng. Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên rất phấn khởi khi nói về mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao của ông Hai Hoàng. Đây là một trong những cánh đồng thành công trong dự án những cánh đồng giá trị cao. Theo nhận xét của ông Nguyễn Hữu Hạnh, đây là vùng đất mà nhiều người đã thất bại, “chỉ có mỗi Hai Hoàng là thành công”. Cùng với việc đầu tư của địa phương xây dựng cánh đồng giá trị cao, ông Hai Hoàng đã thành công trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đưa cơ giới vào đồng ruộng. 
Hiện nay, tổng số vốn đầu tư cho nông trại của ông Hai Hoàng là 4,5 tỷ đồng. Lúc nào, tại đây cũng có 10 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ. Lương cho lao động bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, người có tiền công cao nhất mỗi tháng là 3 triệu đồng. Phần lớn lao động tại vườn cam của ông Hai Hoàng đều là người Bến Tre.
Dù sống ở Bình Dương, nhưng ông Hai Hoàng vẫn luôn nhớ về Bến Tre, nhớ về cội nguồn như một phần cơ thể của mình. Đứng chân trên mảnh đất anh hùng Bình Dương nhưng Hai Hoàng cứ đau đáu nhớ về quê hương. “Nó như một phần cơ thể của tôi. Dù có đi đâu, làm gì thì quê nhà vẫn trên hết”. Mắt Hai Hoàng nhìn xa xăm. Lòng ông vẫn nặng với quê hương Đồng Khởi, với nơi chôn nhau cắt rốn. “Và giúp được gì cho quê hương, tôi sẵn lòng”.

Cách đây 10 năm, Phạm Thế Hoàng ra đi chỉ có 20 triệu đồng làm vốn, hôm nay, ông đã trở thành tỷ phú. Dù ở bất cứ nơi đâu, làm giàu trên vùng đất nào ông Phạm Thế Hoàng vẫn là một nông dân thuần chất, là người con của quê hương Đồng Khởi anh hùng.

Thu Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN