Điền ơi! Tiếng mẹ gọi con sao mà da diết, trìu mến. Nguyễn Thanh Điền, người con gái với cái tên nghe giống con trai ấy, là chỗ dựa vững chắc, là con hiếu thảo đối với người mẹ kính yêu của mình.
Là người con thứ hai trong gia đình năm chị em gái, chị Nguyễn Thanh Điền là giáo viên kiêm chức của Trường Chính trị, đã ngoài 50 tuổi nhưng dáng người vẫn rất nhanh nhẹn, trẻ trung. Mẹ của chị, bà Nguyễn Thị Cầm, 80 tuổi, trong một đêm đang ngủ đã bất ngờ bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người và nhũng não. Từ đó, bắt đầu những ngày tháng chị Điền phải tất tả nuôi mẹ, hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Tuy có đông chị em nhưng mỗi người mỗi hoàn cảnh nên chỉ phụ được phần nào nuôi mẹ cùng chị. Do bị ảnh hưởng thần kinh sau cơn tai biến, bà Cầm không còn ý thức được hành vi cũng như không nhận ra con mình. Hàng ngày, bà cứ đập phá, rên la, thậm chí đánh bất cứ ai đến gần mình. Biết bao lần bị mẹ lên cơn nắm tóc, đánh, cào cấu khắp người nhưng chị vẫn không e ngại. Ban đêm, chị hầu như thức trắng đêm để ôm mẹ không cho lên cơn đập phá. Chị Điền kể: “Nhớ có lần do mệt quá, tôi gục thiếp đi đến khi tỉnh lại thấy người mẹ tôi lênh láng máu do tự đâm ống kim truyền nước biển vào tay. Lúc đó, tôi giận mình và càng thương mẹ hơn”. Bệnh tình mẹ chưa thuyên giảm thì tới chị gặp tai nạn giao thông, bị mẻ xương. Sợ rằng nếu bó bột chân thì không thuận tiện trong việc chăm sóc mẹ, chị “liều” không bó bột. “Chẳng biết nhờ trời thương hay do ý chí mạnh mẽ mà chân tôi dần lành lại, không cần phẫu thuật”, chị cười bảo.

Chị Điền tập vật lý trị liệu cùng mẹ.
Được một thời gian, bệnh mẹ chị càng trở nặng, bà hoàn toàn không ăn uống được, người cứ yếu dần đi. Với quyết tâm “còn nước còn tát”, chị kiên quyết chạy chữa cho mẹ đến cùng. Chị chuyển mẹ lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), rồi về Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Đồng lương viên chức Nhà nước chỉ vừa đủ sống nhưng hễ có thuốc nào tốt, thức ăn nào bổ, thiết bị vật lý trị liệu nào cần cho mẹ là chị mua ngay không đắn đo. Chị tâm sự rằng, ngày trước mẹ đã nuôi mình lớn khôn nên người. Công lao đó làm sao kể nổi, thì ngày nay, không thể vì điều kiện vật chất mà so đo, cân nhắc trong việc chăm sóc mẹ già. Nhiều hôm chạy tất tả lo cho mẹ mà cả ngày chị không có hột cơm trong bụng. Do bị ảnh hưởng hệ thần kinh, bà Cầm không ý thức được chuyện vệ sinh cá nhân. Thế nhưng, chị luôn giữ cho mẹ mình được sạch sẽ, tươm tất.
Sau khi tinh thần của mẹ dần hồi phục, đã nhận ra con cháu trong nhà, chị lại cùng mẹ mình xông pha vào “trận chiến” mới: phục hồi khả năng vận động phần bị liệt. Mỗi ngày, chị cùng mẹ tập vật lý trị liệu. Chị còn mời một bác sĩ đến châm cứu cho mẹ mình. Vậy là, từ chỗ không nói được, chỉ nằm một chỗ, giờ bà Cầm đã nói chuyện bình thường, ngồi và đi được dù phải có chị ở kế bên đỡ. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà nói: “Tội nghiệp con bé lắm. Tôi được như hôm nay cũng nhờ một tay Điền. Nhiều lúc thấy nó cực quá, hai mẹ con ôm nhau khóc, tôi bảo hãy để mặc tôi, nhưng nó nào có chịu”. Chị Nguyễn Thị Yến, vừa là hàng xóm vừa là đồng nghiệp công tác cùng trường với chị Điền, nhận xét: “Cũng là phụ nữ với nhau, tôi khâm phục chị ấy lắm. Tuy nhà trường hết lòng hỗ trợ chị nhưng cũng chỉ được phần nào. Chị Điền phải nhịn ăn, nhịn mặc để có tiền lo cho mẹ. Chăm sóc mẹ nhưng việc cơ quan chị đều hoàn thành tốt. Chị thật xứng đáng là phụ nữ hai giỏi”.
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi mà chốc chốc chị lại chạy vào thăm mẹ. Khi thì dâng mẹ ly nước, lát lại sửa lại tấm mềm, hay quạt cho mẹ. Bà cụ hễ tỉnh dậy là lúc nào cũng gọi Điền ơi! Hai tiếng gọi nghe sao mà chan chứa tình thân thương, trìu mến. Quan sát chị Điền, ở chị toát lên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Nam bộ: hiền lành, cần cù, chịu thương chịu khó, hết lòng vì người khác. Khi được hỏi về mong ước của mình, chị giản dị chia sẻ, chỉ mong sao mẹ già luôn được khỏe mạnh, sống cùng con cháu, dù có cực khổ đến đâu chị cũng chịu được.