Nguy cơ sạt lở ảnh hưởng hàng chục hộ dân

26/08/2012 - 17:26
Tại một điểm sạt lở khu vực kênh Giao Hòa.

Những năm gần đây, tại khu vực kênh Giao Hòa, đoạn từ vàm Giao Hòa đến cầu An Hóa dài khoảng 1km, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền xã Giao Hòa (Châu Thành) đã nỗ lực trong việc di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, nhưng một số hộ dân tại khu vực này vẫn “bám trụ” bất chấp nguy hiểm.

Khu vực này có 43 hộ dân sinh sống. Trong đó có 15 hộ có nhà cặp mé sông, cần phải di dời khẩn cấp. Chính quyền địa phương đã vận động được 3 hộ di dời đến trú ngụ tại các phòng học cũ (do địa phương không còn quỹ đất để bố trí). Hầu hết những hộ không chịu di dời là hộ nghèo, cận nghèo và không có đất.

Để khắc phục tình trạng sạt lở, người dân địa phương đã kè đá, kè cừ tràm, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Bà Nguyễn Thị Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hòa cho biết: “Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã đã vận động nhiều lần để di dời các hộ đến nơi an toàn. Khi tiếp xúc, các hộ dân đồng ý di dời nhưng có cái khó là số tiền hỗ trợ quá thấp (20 triệu đồng/căn) và bà con cũng không có đất để cất nhà mới. Mặt khác, người dân sinh sống tại đây đã quen nên không muốn di dời”.

Khu vực từ Vàm Giao Hòa đến cầu An Hóa đã xuất hiện thêm nhiều vết rạn nứt sâu vào đất liền trên 5m. Tình trạng sạt lở tại khu vực này diễn ra đến nay đã 12 năm, gây thiệt hại trên 4ha đất cùng nhiều tài sản của người dân, ước tính tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Cứ khoảng từụ tháng 8 - 10 âm lịch, khi triều cường dâng cao thì tình trạng sạt lở lại xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, xã Giao Hòa đang khẩn trương triển khai phương án di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Thắm cho biết thêm: UBND xã đã mời các hộ này đến vận động, các hộ này cũng đã cam kết di dời đến nơi an toàn. Xã cũng đã vận động thân nhân của các hộ này hỗ trợ đất để các hộ di dời đến chỗ ở mới. Địa phương cũng đã kiến nghị đến các cấp lãnh đạo, nhất là Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh sớm thi công bờ kè, để các hộ dân được an toàn và làm âu thuyền để người dân ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Trúc Lan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN