Mối đe dọa từ sạt lở bờ sông, bờ biển, bài 1

Nguy cơ sạt lở ngày càng tăng

24/09/2018 - 07:13

Tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, không chỉ xảy ra ở các vùng ven biển, ven sông lớn mà còn xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là vấn đề quan ngại chung của đồng bằng sông Cửu Long và khu vực. Yêu cầu đặt ra là cần có chiến lược ứng phó tổng thể, biến những nguy cơ, thách thức đó thành những dư địa mới, cơ hội mới để phát triển trong tương lai.

Sạt lở bờ sông khu vực cồn Tân Bắc, Tân Phú (Châu Thành).  Ảnh: P. Hân

Sạt lở bờ sông khu vực cồn Tân Bắc, Tân Phú (Châu Thành).  Ảnh: P. Hân

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến cuối tháng 8-2018, toàn tỉnh có khoảng 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có 92 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 118km và 8 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 19km.

Điểm lại một số nơi bị sạt lở

Ở khu vực ven biển, sạt lở xảy ra ngày càng nhanh, nghiêm trọng nhất là khu vực cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, Ba Tri), cồn Bửng (xã Thạnh Hải, Thạnh Phú). Tình hình sạt lở bờ sông cũng rất đáng quan tâm, nhất là khu vực cồn Phú Đa (Chợ Lách), cồn Thành Long - xã Thành Thới và bờ sông Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam) và một số xã của huyện Giồng Trôm, TP. Bến Tre… đã gây thiệt hại khá lớn, làm hư hỏng nhà và tài sản của nhiều hộ dân.

Tình trạng biển lấn bờ trung bình hàng năm lấn sâu vào trong đất liền từ 10 - 15m, làm mất trên 120ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn về đất đai, tài sản của hàng trăm hộ dân. Cụ thể, bờ biển khu vực cồn Ngoài sạt lở khoảng 4km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới cồn Nhàn - cồn Ngoài, mất hàng cây phi lao ven biển. Khoảng 10km bờ biển xã Thạnh Phong bị cuốn trôi làm mất dần dãy rừng phòng hộ thuộc 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải; ảnh hưởng trực tiếp đến Khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc cồn Bửng.

Hay gần đây nhất khu vực bờ sông Mỏ Cày, thuộc thị trấn Mỏ Cày đã bị sạt lở 80m gây hư hỏng 4 nhà dân. Hiện tại, có khoảng 800m với trên 70 hộ dân khác đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Gần đây, ảnh hưởng tình hình áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài kèm sóng, triều cường đã làm sạt lở 700m đê khu vực cồn Tân Bắc, ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành; chiều rộng sạt lở có đoạn trên 1m.

Tại địa bàn huyện Chợ Lách, sau đợt sạt lở kinh hoàng vào tháng 4-2017 tại khu vực cồn Phú Đa (ấp Phú Đa và Phú Bình) của xã Vĩnh Bình có trên 500m bờ sông sụp lún, thiệt hại hoàn toàn 4 căn nhà ở của người dân, di dời khẩn cấp 8 căn nhà khác bị đe dọa trực tiếp. Không ngừng lại ở đó, trong giữa tháng 3-2018, tại ấp Phú Đa tiếp tục bị sạt lở bờ sông khoảng 30m, sâu vào khoảng 5m. Trong đợt triều cường cuối tháng 8-2018 vừa qua, ở Phú Đa lại bị sạt lở khoảng 70m thuộc khu vực ngoài đê bao của ấp Phú Bình, làm thiệt hại trên 1.700m2 hoa màu của hộ dân đang canh tác. Đến ngày 9-9-2018, cồn Phú Đa tiếp tục bị sạt lở 50m, ăn sâu vào đất liền 10 - 20m. Theo thông tin ghi nhận được, vị trí sạt lở lần này chỉ cách điểm sạt lở năm 2017 khoảng 300m.

Mức độ ngày càng phức tạp và nghiêm trọng

Đến nay, tình hình sạt lở vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Ngành chức năng còn xác định thêm 5 điểm sạt lở bờ biển trên địa bàn xã Thừa Đức (Bình Đại), 20 điểm sạt lở bờ sông thuộc địa bàn huyện Giồng Trôm, TP. Bến Tre nguy hiểm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nhà ở của người dân và công trình.

Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2005 trở về trước, xói lở làm tăng theo diện tích của đồng bằng (do bên lở bên bồi). Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, do lượng phù sa và cát trong nước ngày càng suy giảm đã dẫn đến kết quả ngược lại - bồi ít, lở ngày càng nhiều. Trung bình một năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long mất 300ha đất do sạt lở.

Các chuyên gia xác định có nhiều nguyên nhân gây sạt lở. Trong đó, có yếu tố biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy, triều cường, địa chất và không loại trừ tình trạng khai thác cát lòng sông quá mức. Theo TS Võ Công Hoang - Giảng viên Trường Đại học Thủy lợi (cơ sở 2), nhiều nghiên cứu tình hình sạt lở ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở là do giảm lượng cát bùn từ thượng nguồn về kèm theo tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt vấn đề khai thác cát sông tại chỗ gây ảnh hưởng trực tiếp.

“Các yếu tố quy luật của dòng chảy làm lượng bùn cát đang suy giảm kèm theo khai thác cát nội địa không quản lý tốt gây thiếu hụt bùn cát trầm trọng trên các hệ thống sông”, PGS.TS Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định.

Một trong những nguyên nhân dễ thấy hiện nay, ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa to, triều cường lên cao hơn trước làm đất mềm và dễ sụp lún. Trong thời gian triều cường nước sẽ ngấm vào đất, đến khi hạ triều, phần đất tơ mềm dễ trôi theo con nước.

Thời điểm gần đây, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã liên tục đưa ra các dự báo về đỉnh triều cường. Trong đợt triều cường từ đầu tháng 8 âm lịch, đỉnh triều cường trên sông Hàm Luông tại trạm Chợ Lách đo được ở mức 181cm, rất cao, vượt mức báo động III. Dự báo, từ ngày 19 đến 30-9-2018, triều cường trên các sông có thể đạt mức đỉnh triều mới, cao hơn trước. Nhất là ở Chợ Lách, có khả năng đạt đến 186 - 196cm, vượt mức báo động III 12cm. Tại các trạm khác như Mỹ Hóa (sông Hàm Luông), Bình Đại (sông Cửa Đại), Bến Trại (sông Cổ Chiên) đều có khả năng vượt mức báo động II, khả năng sạt lở còn tiếp diễn.

T. Đồng - Ph. Hân - C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN