Phục tráng giống lúa OC 10, bài 1

Nguyên liệu chính của các làng nghề bún, bánh

04/09/2019 - 07:19

BDK - Vụ lúa Hè Thu 2019 ở tỉnh đang vào thu hoạch rộ. Trên cánh đồng lớn Ba Tri, người nông dân phấn khởi nhìn lúa OC 10 trĩu hạt. Gạo OC 10 là nguyên liệu chính dùng để sản xuất bún - bánh trong tỉnh và đang chiếm lĩnh thị trường bún - bánh ở Bến Tre; thậm chí là cả toàn quốc nếu việc sản xuất OC 10 được quan tâm hơn.

Công ty Lương thực Bến Tre thu mua lúa tươi của nông dân Ba Tri

Công ty Lương thực Bến Tre thu mua lúa tươi của nông dân Ba Tri

Chi phối sản xuất bún - bánh

Bến Tre là tỉnh có diện tích gieo trồng lúa ít và có xu hướng giảm dần diện tích (từ 80.000ha năm 2008 giảm còn khoảng 50.000ha năm 2018). Những năm gần đây, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, năng suất lúa bị giảm đáng kể. Năm 2018, diện tích gieo trồng đạt trên 51 ngàn ha, giảm 35,31% so với năm 2008; sản lượng đạt hơn 233 ngàn tấn, giảm 35,46%. Bên cạnh đó, do đặc thù của đất nên giống lúa gieo sạ chủ yếu là OC 10, giống lúa này thích hợp làm bánh, bún bán ở thị trường nội địa.

Khoảng 10 năm trở lại đây, gạo OC 10 đã chiếm lĩnh thị trường gạo nội địa trong tỉnh, thậm chí trong nước khi trở thành nguyên liệu chính cho các làng nghề sản xuất bún, hủ tiếu, bánh tráng, bột nui, mì sợi. Gạo OC 10 là lựa chọn số 1 của những người có thâm niên làm bún, bánh trong tỉnh. Lúa tươi OC 10 đang được Công ty Lương thực Bến Tre thu mua trực tiếp trên ruộng, giá cả nhích lên từng ngày, từ 4.900 đồng/kg (ngày 26-8-2019), hôm sau đã là 4.950 đồng/kg.

“Mỗi năm chúng tôi thu mua được khoảng 3 ngàn tấn lúa OC 10, trong khi kế hoạch cần thu mua 6 ngàn tấn/năm. Chúng tôi không đủ gạo OC 10 để cung cấp cho thị trường, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Hiện giống lúa OC 10 ở tỉnh đang có giá tốt hơn so với IR 50404, giống lúa trồng phổ biến ở các tỉnh bạn lân cận. Chúng tôi bị các bạn hàng tranh mua lúa, còn nông dân thì có thói quen trữ lúa. Trong khi đó, gạo OC 10 lại là nguyên liệu chính cho các làng nghề bún, bánh trong tỉnh”, ông Lý Thế Huy - Phòng Kế hoạch Công ty Lương thực Bến Tre, người có trên 30 năm phụ trách mảng kinh doanh của công ty cho biết.

Ở làng nghề Mỹ Lồng, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm có lò bún, hủ tiếu của ông Vũ được Sở Công Thương giới thiệu là “lò bún lớn nhất, có dây chuyền sản xuất sạch vào loại nhất, nhì trong tỉnh”. Ông Vũ khởi nghiệp với nghề làm bún, nay ông đã lớn tuổi nên truyền lại cho con trai là Phạm Thế Dương. Anh Dương cho biết: “Từ khi lớn lên đã thấy cha làm bún bằng gạo OC 10, nó là chọn lựa duy nhất của ông, cho đến nay khi tôi nối nghiệp vẫn sử dụng OC 10 để làm bún và hủ tiếu. Mỗi tháng lò bún, hủ tiếu của tôi sử dụng khoảng 5 - 7 tấn gạo OC 10”. So sánh lợi nhuận với các lò bún, bánh sử dụng bột, anh Phạm Thế Dương nói: “Họ khỏe hơn mình vì rút ngắn được 2/5 khâu. Mình phải ngâm gạo cách ngày, rồi xay nhuyễn thành bột mới làm bún, tráng bánh làm hủ tiếu. Hủ tiếu của chúng tôi được sấy trong lò, bảo quản được lâu hơn và chủ động khi trời mưa dầm nhiều ngày. Do đó, sản phẩm được bỏ mối trên toàn địa bàn tỉnh, riêng bún thì chỉ bán được trong ngày”.

OC 10 tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong lựa chọn gạo nguyên liệu của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Safoco (TP. Hồ Chí Minh) - đây là đơn vị chế biến lớn trong nước, hiện công ty này có các sản phẩm chính như mì, nui, bún và bánh tráng, các nhóm sản phẩm này đều có doanh số đứng đầu và có thị phần lớn nhất trong cả nước. “Mỗi tháng chúng tôi cung ứng cho Safoco gần 100 tấn gạo OC 10, họ là đối tác bền bỉ gần 10 năm nay. Mỗi quý công ty này đều kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm mẫu gạo OC 10. Chúng tôi cũng đảm bảo cho Safoco về xuất xứ nguồn gốc gạo OC 10, do họ chỉ đặt hàng gạo OC 10 được trồng ở Bến Tre và xay xát gạo trong nhà máy của chúng tôi được chứng nhận an toàn đặt tại chợ Thom, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam”, ông Nguyễn Minh Hoàng - phụ trách cánh đồng lớn Công ty Lương thực Bến Tre cho hay. 

Lợi gạo, kết dính tốt và xốp

Quả là thiên nhiên ưu đãi khi Bến Tre có một giống lúa OC 10 hoàn toàn hợp thổ nhưỡng, chịu mặn tốt, năng suất cao, thân lúa cứng ít bị ngã đổ, kháng sâu bệnh tốt, vì thế người nông dân rất thích OC 10. Nhiều người nhìn thấy tương lai của giống OC 10, trong đó có ngành nông nghiệp tỉnh, mà cụ thể là Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu điểm của OC 10 đã thuyết phục người nông dân Bến Tre bền bỉ sản xuất nó thay vì đổi giống mới phục vụ xuất khẩu. “Giống OC 10 đang chiếm 70% diện tích đất lúa toàn tỉnh, do nó phù hợp điều kiện canh tác, đầu ra ổn định, chủ trương của tỉnh là vẫn khuyến khích người dân sản xuất giống lúa này”, ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ.

Diện tích lúa ở Bến Tre ngày càng sụt giảm, đồng nghĩa lúa OC 10 đang ngày càng thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến giá gạo nguyên liệu. Ông Trần Văn Tám - người sản xuất bánh tráng nem Mỹ Lồng Minh Thiện - làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm cho biết: “OC 10 trồng ở Bến Tre vẫn là lựa chọn số 1 để làm bánh tráng, nó “lợi gạo”, không bị mất tinh bột khi xay. Bánh làm ra có độ xốp, cuốn chả giò chiên thì đạt độ giòn rất tốt, đặc tính này không loại gạo nào bằng OC 10. Bánh tráng làm từ gạo OC 10 không cần pha thêm một thứ bột nào, hay bất cứ một chất gì. Nó ngon tự nhiên”.

Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thực hiện phục tráng giống lúa OC 10 siêu nguyên chủng, tuy nhiên báo cáo chỉ đề cập đến “phục vụ cho nhu cầu của nông dân nghèo tỉnh Bến Tre”. Ở góc độ kinh tế, có lẽ thị trường mới thực sự là yếu tố quyết định tồn vong của giống lúa này.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 cánh đồng lớn, tập trung ở các huyện Ba Tri và Giồng Trôm với tổng diện tích 1.884,4ha. Giống lúa được sử dụng chủ yếu trong mô hình là giống OC10 (chiếm 80%).

(Bài 2: Hành trình phục tráng lúa OC 10 siêu nguyên chủng)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích