Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội

15/01/2018 - 07:18

Bà Nguyễn Thị Nhạn (Mỏ Cày Bắc) có nhu cầu tư vấn: Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm sửa đổi gì đối với việc xử lý người chưa thành niên phạm tội?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội. Bộ luật dành một chương riêng, Chương XII “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”; trong đó, Điều 91 luật quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và động cơ phạm tội.

- Thứ hai: người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự của Bộ luật này (Điều 29) và thuộc một trong các trường hợp phạm tội về: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội hiếp dâm, tội cướp giật tài sản, các tội có liên quan đến ma túy… (Luật quy định cụ thể trường hợp phạm tội và độ tuổi) thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục như: khiển trách (Điều 93), hòa giải tại cộng đồng (Điều 94) hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95). Ngoài ra, luật cũng quy định tình tiết giảm nhẹ đối với người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Thứ ba: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

- Thứ tư: Khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

- Thứ năm: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Thứ sáu: Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Luật quy định, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Thứ bảy: Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN