Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ

11/08/2009 - 13:21
Nhà ở như thế này không đảm bảo sử dụng lâu dài, rất cần được xây cất lại. Ảnh: Kim Thanh

Đó là phương châm hành động nhất quán để thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bến Tre” của UBND tỉnh (đề án).

Theo kết quả rà soát để thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg (ngày 12-12-2008) của Thủ tướng Chính phủ, hiện toàn tỉnh có 19.989 hộ có nhà ở tạm bợ (theo tiêu chí của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong đó có 11.390 hộ nghèo có nhà ở đang bức xúc và không có khả năng tự xây nhà. Đề án của tỉnh được thực hiện theo mục tiêu là: Cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giúp hộ nghèo, hộ gia đình chính sách nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Nguyên tắc hỗ trợ là nhằm hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng quy định; hỗ trợ hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn về nhà ở bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng trên cơ sở pháp luật và các quy định chính sách Nhà nước, đồng thời phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương; đảm bảo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tham gia đóng góp được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 32m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Mức hỗ trợ, mức vay để làm nhà ở bao gồm Trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng. Riêng 201 hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các xã: An Thuận, An Qui, An Nhơn (Thạnh Phú) và xã Thừa Đức (Bình Đại) được Trung ương hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ, (vì các xã này thuộc danh sách các xã khó khăn (do Chính phủ qui định). Ngân sách Trung ương hỗ trợ thêm 10%, tỉnh 10%; Quỹ vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ; gia đình, họ  hàng, thân tộc hỗ trợ bằng tiền mặt, vật liệu, công thợ… để hoàn thiện căn nhà. Đặc biệt, hộ gia đình được vay Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất ưu đãi 3%/năm, thời gian vay 10 năm, ân hạn 5 năm, mức trả mỗi năm 20% tổng vốn vay; mỗi hộ vay tối đa 8 triệu đồng.

 

Đối tượng ưu  tiên năm 2009 bao gồm: hộ gia đình nghèo có công với cách mạng 469 hộ, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 8 hộ, đối tượng bảo trợ xã hội 1.712 hộ, hộ có hoàn cảnh khó khăn 624 hộ. Đối tượng được hỗ trợ vào năm 2010 gồm: Hộ nghèo trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai là 1 hộ, hộ nghèo đang sống trong vùng đặc biệt khó khăn: 76 hộ, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn: 450 hộ. Năm 2011 sẽ hỗ trợ cho 4.000 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, đề án có khả năng giải quyết cho 11.382 hộ người kinh và 8 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian 3 năm. Hiện, UBMTTQ tỉnh và UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp để bàn thống nhất việc triển khai thực hiện đề án năm 2009. Nhìn chung, mục tiêu, phương châm, cách tiến hành không có sự thay đổi lớn. Tỉnh đã nhận hỗ trợ của Trung ương 8,114 tỷ đồng để thực hiện đề án, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã chuẩn bị hơn 8 tỷ đồng cho vay để hỗ trợ người nghèo cất nhà ở. Theo tinh thần chỉ đạo chung của các cấp lãnh đạo, trị giá mỗi căn nhà 15 triệu đồng, nhưng phải đảm bảo 3 cứng: mái cứng, cột cứng, nền cứng. Ngoài ra, hộ gia đình có thể góp vốn, vay vốn thêm để làm nhà vệ sinh, dụng cụ chứa nước sạch… Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Các cấp, các đoàn thể cần vận động hỗ trợ ngày công, vật liệu, chất liệu cất nhà ở cho hộ nghèo, để tổng chi phí không vượt quá mức qui định. Ngoài ra, hộ nghèo cũng cần suy tính để có thể vay vốn làm nhà. Ông Bảo nhẩm tính, nếu ân hạn 5 năm, thì mức vay 8 triệu chỉ trả trong 5 năm còn lại (thời gian vay 10 năm), trung bình mỗi tháng, hộ nghèo trả khoảng 80 ngàn đồng. Tại cuộc họp mới đây với các ngành, các huyện, để thống nhất phân bổ chỉ tiêu nhà ở cho hộ nghèo theo đề án, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là kinh phí. Đa số huyện băn khoăn mức vốn đối ứng của địa phương. Một số ý kiến lo ngại trượt giá, 15 triệu đồng là thấp…

 

Tuy nhiên, vấn đề cần tập trung và khuyến khích là vận động mỗi hộ nghèo tự thân phấn đấu góp thêm công sức để cất nhà, sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng, dòng họ, xóm, giềng là rất cần thiết để người nghèo được “nối” thêm ra về nguồn lực tại chỗ đủ cất một căn nhà như mong ước.

Huyền Anh Thơ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN