 |
Nhà Sử học Dương Trung Quốc. |
Ngày 19-3-2009, Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng, thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Thân thế và sự nghiệp cụ Phan Thanh Giản”.
Đồng chí Huỳnh Văn Be-Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại diện các sở, ngành, UBMTTQ và các đoàn thể, các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, Trường Cao đẳng, Quân sự, Trung học Y tế, Huyện ủy, Thị xã ủy và Đảng ủy trực thuộc tham dự. Nhà Sử học Dương Trung Quốc-Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay báo cáo tại hội nghị.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những vấn đề ông trình bày về thân thế và sự nghiệp cụ Phan Thanh Giản là tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học và nhận thức của cá nhân ông với tư cách là nhà Sử học. Đã có nhiều cuộc hội thảo và cách đánh giá khoảng cách giữa công và tội của cụ Phan Thanh Giản có sự thu hẹp lại. Nếu phán xét cụ chỉ căn cứ vào bi kịch rơi vào 5 năm cuối cuộc đời, còn các mặt nổi trội của cụ đặt bên lề thì thiếu khách quan. Các nhà khoa học nhận thức trong đánh giá một con người, tránh nhìn vào một khuyết điểm mà phủ nhận sạch những đóng góp tích cực trước đó.
Cuộc hội thảo gần đây nhất, các nhà Sử học cho rằng, lịch sử xảy ra một lần nhưng nhận thức đòi hỏi phải có quá trình. Nhận thức quá khứ bằng cách nhìn hôm nay phải căn cứ các tư liệu, phương pháp khai thác. Cụ Phan Thanh Giản là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam bộ, có nhiều đóng góp trong dựng nước, giữ nước và nhà yêu nước canh tân; người ngay thẳng, trung quân, ái quốc. Dưới triều Minh Mạng, cụ đã 4 lần bị giáng chức, do quan tâm ổn định xã hội, khai khẩn đất hoang phát triển sản xuất, can ngăn nhà vua không nên ăn chơi trụy lạc trong điều kiện dân tình còn khốn khó… Việc cụ nhường 3 tỉnh Nam bộ cho thực dân Pháp thì các nhà Sử học không bào chữa, nhưng cần đánh giá sòng phẳng, trút hết tội này cho Phan Thanh Giản gánh là không hợp lý, vì ranh giới giữa người đứng đầu đất nước (vua) và người thừa lệnh thực hiện chức trách (Phan Thanh Giản). Phan Thanh Giản thực hiện chức trách theo sự phân công của vua Tự Đức là bằng bất cứ mọi giá phải đình chiến. Các nhà Sử học cũng cho rằng, ngay lúc đầu thực dân Pháp có ý đồ xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn có quan tâm kháng chiến chống thực dân Pháp và Pháp bị sa lầy chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng, khi thực dân Pháp khôi phục đã tập hợp được sức mạnh chuyển hướng sang tấn công, triều Nguyễn không đủ sức chống trả. Một vấn đề khi đưa ra tranh luận, các nhà Sử học rất quan tâm là xem dân tình ra sao. Và minh chứng là người dân Nam bộ luôn thể hiện tấm lòng mến mộ, ưu ái và thể hiện sự chia sẻ, khoan dung sai lầm của cụ Phan. Bởi sau khi nhường đất cho Pháp, bản thân cụ không được hưởng lợi gì, mà ray rứt và đã tìm đến cái chết. Gắn kết chuỗi sự kiện qua các triều đại, đặc biệt là triều Nguyễn với công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến thì bài học rút ra là thắng giặc không chỉ vũ khí hiện đại mà còn là sự hiểu biết và trí tuệ, biết điểm yếu của địch, thế mạnh của ta và biết phát huy sức mạnh tổng hợp.
Trong phần kết của báo cáo, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Phan Thanh Giản là người yêu nước, không lý do gì mà chúng ta phủ nhận. Ông rất đồng tình chủ trương của tỉnh Bến Tre dựng lại tượng cụ Phan Thanh Giản. Tạp chí Xưa và Nay đã tặng cho Ba Tri tượng cụ Phan Thanh Giản được đúc bằng đồng, trong tháng 4-2009 sẽ chuyển về đặt tại Trường THPT Phan Thanh Giản. Nhà nghiên cứu Sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những gì liên quan đến “Thân thế và sự nghiệp cụ Phan Thanh Giản” vẫn được tiếp tục suy nghĩ để có hành xử với tinh thần, trách nhiệm hợp lòng người dân hôm nay.