 |
Anh Truyền nhân giống cây chuối cấy mô. |
Công tác tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học (khu ứng dụng) Cái Mơn, huyện Chợ Lách từ năm 2014, kỹ sư Võ Thanh Truyền (sinh năm 1989) là tấm gương sáng, luôn sẵn sàng đảm nhận phần việc khó và khẳng định sự sáng tạo của tuổi trẻ.
Thành công nổi bật trong chuỗi các nghiên cứu của anh Truyền tại đây
là sản phẩm chuối cấy mô. Anh là chủ nhân của buồng chuối xiêm lùn độc đáo, với
19 nải, trên 200 trái, nặng 35kg, đạt giải nhì (không có hạng nhất) tại Hội thi
đấu xảo, trong khuôn khổ Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ
XVI năm 2017.
Không chùng bước trước
khó khăn
Gặp nhau tại khu ứng dụng, anh hướng dẫn chúng tôi tham
quan từ các phòng nghiên cứu đến khu nhà màng, khu vườn cây ứng dụng công nghệ
sinh học. Nếu không miệt mài ở phòng kỹ thuật để nghiên cứu thì anh ra bờ trồng
cây hoặc làm cỏ, bắt sâu như một nông dân thực thụ. Thành tựu hôm nay của khu ứng
dụng mới giai đoạn 1 nhưng đã cho thấy cán bộ, kỹ sư ở đây nỗ lực vượt qua khó
khăn và rất sáng tạo, trong đó kỹ sư Truyền là một điển hình.
Từ chuyên viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và
công nghệ (KH&CN) Bến Tre, anh Truyền xung phong về làm việc tại khu ứng dụng
Cái Mơn trong điều kiện trụ sở mới xây được vài phòng. Lúc ấy, điện, nước chưa
có, một mình, sẽ làm những gì, ở vị trí nào… anh Truyền tự sắp xếp. Anh bắt tay
vào làm cỏ, trồng chuối và chuyển một số máy móc, thiết bị cũ ở trung tâm về tận
dụng. Làm việc trong điều kiện thiếu thốn, nhưng anh không chán nản, mà còn xem
đây là điều kiện, môi trường, cơ hội để thử thách tính đột phá, sáng tạo của bản
thân. “Trong cái khó, ló cái khôn”, cấy mô phải cần một số lượng lớn đĩa chuyên
dùng, nhưng lại thiếu, anh Truyền tận dụng các loại đĩa nhựa vẫn đạt hiệu quả
cao.
Mỗi năm, anh Truyền định hướng một đề tài cấp cơ sở (dưới
100 triệu đồng). Nghiên cứu tới đâu, anh Truyền mới đầu tư kinh phí tới đó thay
vì ngồi đợi có sẵn các loại dụng cụ mới xây dựng đề tài nghiên cứu. Nhờ vậy, hoạt
động nghiên cứu công nghệ sinh học sớm có nhiều kết quả và kịp đưa vào ứng dụng
để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trong và ngoài tỉnh.
Đam mê sáng tạo
Qua 3 năm, anh Truyền đã đóng góp nhiều thành tựu nghiên
cứu cho khu ứng dụng Cái Mơn nói riêng, KH&CN tỉnh nói chung. Điển hình là
đề tài nhân giống cây chuối tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống hoa
dã yên thảo, nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm cây hoa chuông (xuất xứ Brazil),
hay dự án chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô hoa hồng môn… Giải pháp nhân giống
bằng kỹ thuật nuôi cấy mô giúp nhà vườn giảm nhiều chi phí, thời gian và tăng
thu nhập từ các loại cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Với đóng góp của
anh Truyền, mỗi năm, khu ứng dụng Cái Mơn sản xuất và cung cấp cho thị trường
bình quân 20 ngàn cây giống nuôi cấy mô các loại. Kế hoạch năm 2017, sẽ tiêu thụ
trên 40 ngàn cây trong cả nước. Trong đó, thành công nhất là sản phẩm chuối cấy
mô.
Thời gian nghiên cứu quy trình nhân giống là khoảng một
năm. Tuy nhiên, để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất có khi phải
mất đến 3 năm hoặc hơn thế. Bởi, nếu ứng dụng va chạm thực tế có gặp trục trặc
thì phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến lần thứ hai, thứ ba hoặc “n lần” để có hiệu
quả cao nhất. Anh Truyền minh chứng: “Trong nghiên cứu nhân giống chuối cấy mô,
ban đầu hệ số nhân chồi là 15 lần, thời gian cấy 30 ngày thì khi cải tiến, từ 1
chồi đã nâng hệ số nhân chồi lên 30 lần, rút ngắn thời gian cấy xuống còn 18
ngày”.
Trong quá trình nghiên cứu, anh còn tính toán giải pháp
giảm chi phí trong điều kiện ngân sách hạn chế mà yêu cầu tính hiệu quả phải
cao hơn. Cụ thể, nếu sử dụng đúng các loại hóa chất phục vụ nghiên cứu thì tốn
1,5 triệu đồng/10g. Nhưng khi thử nghiệm thay thế bằng dung dịch tự chế là nước
dừa thì chi phí giảm hơn 10 lần.
Bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở KH&CN kiêm Giám
đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhận xét: “Truyền là người đầu tiên
tình nguyện về khu ứng dụng Cái Mơn để bắt tay vào nghiên cứu từ con số 0. Có một
số anh chị ở trung tâm khuyên Truyền khoan về đây vì em còn quá trẻ, sẽ chịu lắm
thiệt thòi. Nhưng Truyền đã quyết tâm và cống hiến hết mình, không ngại gian
khó. Truyền đã khẳng định được niềm yêu nghề, đam mê nghiên cứu, thậm chí lăn xả
vào khó khăn để thử thách bản thân. Truyền xứng đáng là tấm gương viên chức trẻ
giỏi toàn quốc”.
Trong quá trình công tác,
thành tích của anh Võ Thanh Truyền được ghi nhận: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở;
Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu
nước của cơ quan, tỉnh; bằng khen của UBND tỉnh; cán bộ, công chức trẻ, giỏi,
thân thiện cấp Đoàn Khối năm 2015; Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn
quốc năm 2016 (Bằng khen của Trung ương Đoàn)... |