Nhãn xuồng Tam Hiệp nằm đợi trên cây chờ rụng vì không bán được. Ảnh: C. Trúc
Đường đến cồn Tam Hiệp ngày nay đã không còn khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn phải “lụy phà”. Len lỏi sâu bên trong cồn mới nhận ra, từ đầu đến cuối cồn toàn trồng nhãn tiêu huế và nhãn xuồng. Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Ở đây, nhà nào cũng trồng nhãn. Phát triển kinh tế địa phương chủ yếu nhờ vào cây nhãn...”.
Xã Tam Hiệp có trên 574ha đất nông nghiệp, trong đó, nhãn chiếm trên 548ha (khoảng 300ha là nhãn xuồng), còn lại là dừa, bưởi da xanh. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các đơn vị thu mua trong và ngoài tỉnh đã ngưng thu mua trong 2 tuần nay, khiến nhà vườn hoang mang vì nhãn đang chín rộ. Mặt khác, tình hình nước mặn xâm nhập bủa vây khắp nơi trên đất cồn, với độ mặn hiện lên đến 8 - 10%o, người dân không thể tưới, nhãn dễ rụng, hư hỏng.
Anh Trần Thanh Nam có 1ha đất trồng nhãn xuồng cho biết, ước sản lượng trái chín cần thu hoạch ngay là 10 tấn. “Ngặt nỗi, giờ nhãn chín tới nơi, phần rụng vì quá chín, phần vì thiếu nước ngọt mà các chợ ngưng thu mua, doanh nghiệp thì gọi họ cũng không bắt máy” - anh Nam lo lắng.
Không riêng gì vườn nhà anh Nam, toàn xã hiện có 100 tấn nhãn xuồng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một chủ vườn khác cũng rối rắm chia sẻ: Từ đó đến giờ, tôi mới gặp cảnh tượng này. Lần đầu tiên tôi chở 20kg nhãn đi giao cho khách bán lẻ ở các xã khác.
Thời gian qua, chính quyền địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm với thương lái chủ lực tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), góp phần giải quyết tiêu thụ trên 80% sản lượng nhãn xuồng của địa phương. Bên cạnh đó, có một số đơn vị như Tập đoàn VinGroup, doanh nghiệp thu mua trái cây của tỉnh cũng hợp đồng thu mua. Riêng nhãn tiêu huế được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với sản phẩm trái tươi đóng rổ hoặc sấy khô.
Cẩm Trúc