|
Lãnh đạo các cơ quan chức năng thị sát, khắc phục sự cố. |
Khoảng 6 giờ 20 phút, ngày 6-11-2010, ông Ngô Quốc Đạt (SN 1965, thường trú tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) điều khiển chiếc xà-lan mang biển số Phước Long 06 - SG 1848 lưu thông trên kênh Chợ Lách (thuộc khu phố 2, thị trấn Chợ Lách), hướng từ sông Cổ Chiên đến sông Tiền. Khi đi qua cầu Chợ Lách, xà-lan va chạm vào cầu. Hậu quả, vụ va chạm đã làm nghiêng lệch vòm thép đoạn nhịp chính của cầu Chợ Lách, gây ùn tắc giao thông.
Sau khi sự cố xảy ra, ông Nguyễn Thuận Phương - Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ VII, ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 717, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, Thanh tra giao thông, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3, Đoạn quản lý đường sông số 11, lãnh đạo UBND huyện Chợ Lách, các ban ngành có liên quan đã có mặt tại hiện trường để khảo sát tình hình, bàn bạc thống nhất giải pháp khắc phục sự cố. Trước mắt, UBND huyện Chợ Lách cùng các ngành, đơn vị có liên quan đã phối hợp điều động 5 chiếc phà (trọng tải nhỏ) đến phục vụ khách và phương tiện qua sông; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huyện tích cực hỗ trợ đơn vị thi công trong việc điều tiết, phân luồng, đảm bảo trật tự, sớm hoàn thành việc khắc phục cầu Chợ Lách. UBND huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Chợ Lách, do Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Phước Toàn làm trưởng ban. Theo kế hoạch, từ 13 giờ ngày 7-11-2010, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3 (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) bắt đầu thực hiện các bước và sẽ hoàn thành trong thời gian 10 ngày.
Cầu Chợ Lách được xây dựng năm 1994, có tổng chiều dài trên 200 mét, tải trọng 10 tấn; nằm trên quốc lộ 57, nối liền các tỉnh khu vực ĐBSCL. Đoạn kênh Chợ Lách có tổng chiều dài 7km, là tuyến đường thủy quốc gia, hàng ngày có khoảng 70 chiếc xà-lan, tải trọng từ 300 đến 1.500tấn/chiếc, vận chuyển qua lại. Ngoài ra, còn có hàng trăm tàu thuyền khác lưu thông trên đoạn kênh này.