Nhập nhằng giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

29/02/2016 - 07:06

Bà Phạm Thị Kiều Mỹ, ngụ tại Khu phố 3, thị trấn Giồng Trôm cho rằng Tòa án nhân dân (TAND) huyện Giồng Trôm đã trì hoãn không giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa nguyên đơn là bà cùng chồng là ông Huỳnh Văn Thuận với bị đơn là vợ chồng bà Huỳnh Thị Viện, ông Đặng Văn Giới. Vụ tranh chấp này được TAND huyện thụ lý ngày 29-10-2014 cho đến nay.

Ngày 25-4-1996, vợ chồng bà Phạm Thị Kiều Mỹ, ông Huỳnh Văn Thuận thỏa thuận mua miếng đất có diện tích 2.850m2 của vợ chồng bà Huỳnh Thị Viện, ông Đặng Văn Giới với giá 57 chỉ vàng 24k. Việc mua bán này được hai bên làm bằng giấy viết tay, đo đạc bằng tay và cắm cọc gỗ (bà Viện là cô ruột của ông Huỳnh Văn Thuận). 8 năm sau (năm 2004), hai bên mua - bán đất mới đến cơ quan chức năng thực hiện việc đo đạc, làm giấy chứng nhận QSDĐ. Lúc này, hai bên cùng thỏa thuận là để phần bờ đất làm đường đi chung (chiều ngang 9m, chiều dài 40m) sẽ do bà Viện đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ. Ngày 4-8-2004, vợ chồng bà Mỹ được cấp giấy chứng nhận  QSDĐ với diện tích 2.488,5m2, thuộc thửa số 79, tờ bản đồ số 58, tọa lạc tại Khu phố 3, thị trấn Giồng Trôm (còn lại 361,5m2 làm đường đi chung). 

Năm 2012, Nhà nước mở đường đi công cộng (đường Khu phố 3, thị trấn). Bấy giờ, phần đất là đường đi chung của bà Viện, bà Mỹ được nằm ở vị trí gần với mặt tiền lộ mới, hai người đều muốn phần đất này là của riêng mình. Bà Viện đã có đường đi ra lộ mới và muốn bán phần đất có diện tích 571,5m2 (bao gồm cả đường đi chung cũ khoảng 362m2) cho bà Mỹ, nhưng bà Mỹ không đồng ý và khiếu nại. Hòa giải tại khu phố không thành, vụ việc được chuyển đến TAND huyện Giồng Trôm. Trong thời gian này, bà Viện đã làm thủ tục bán phần đất 571,5m2 cho ông Phạm Quốc Cường. Ngày 17-12-2013, ông Cường được cấp giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 571,5m2, thuộc thửa 148, tờ bản đồ 58, Khu phố 3, thị trấn Giồng Trôm.

Bà Phạm Thị Kiều Mỹ và ông Huỳnh Văn Thuận làm đơn khởi kiện tại TAND huyện Giồng Trôm. Ngày 4-8-2014, TAND huyện có Thông báo số 20, trả lại đơn khởi kiện của bà Mỹ, ông Thuận với lý do là tờ bán đất vườn ngày 25-4-1996 không phải là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nên bà Mỹ và ông Thuận không có quyền khởi kiện. Bà Mỹ khiếu nại đến Chánh án TAND huyện Giồng Trôm. Ngày 12-8-2014, Chánh án TAND huyện có Quyết định số 05, bác đơn khiếu nại của bà Mỹ và giữ nguyên nội dung Thông báo số 20. Ngày 23-8-2014, bà Mỹ khiếu nại đến Chánh án TAND tỉnh. Ngày 7-10-2014, Chánh án TAND tỉnh có Quyết định số 31, chấp thuận yêu cầu của bà Mỹ; đồng thời, yêu cầu TAND huyện Giồng Trôm nhận lại đơn khởi kiện của bà Mỹ và ông Thuận cùng với các tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Ngày 29-10-2014, TAND huyện Giồng Trôm thụ lý vụ án. Tòa tiến hành các bước như đo đạc đất, định giá tài sản, lấy lời khai giữa hai bên… Ông Phạm Minh Tâm - Thẩm phán giải quyết vụ tranh chấp này cho biết: “Quá trình Tòa án tiến hành đo đạc đất tranh chấp, làm cơ sở để tính án phí và căn cứ để xét xử thì bà Mỹ không chịu ký tên vào biên bản hiệp thương ranh đất, do sợ bị mất đất. Sự việc kéo dài, Tòa đã cố gắng vận động, thuyết phục nhưng rất khó khăn, đến ngày 4-5-2015, Tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án”.

Sự việc kéo dài cho tới đầu tháng 1-2016, bà Mỹ tới Tòa và đồng ý ký tên vào biên bản hiệp thương ranh (theo đo đạc của cơ quan chức năng). Theo thẩm phán Phạm Minh Tâm, đến ngày 24-2-2016, cơ quan Tòa án đã nhận được kết quả từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Giồng Trôm, diện tích đất tranh chấp giữa bà Mỹ và bà Viện là 365,4m2 (theo đo đạc bằng máy). Trên cơ sở này, Tòa án sẽ tiến hành các bước tiếp theo để xét xử vụ án theo đúng trình tự luật định.

Ngay từ đầu, việc mua bán đất của vợ chồng bà Mỹ với vợ chồng bà Viện đã không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Cho đến khi làm giấy chứng nhận QSDĐ, giữa hai bên mua - bán đã không thực hiện việc đo đạc để làm “sổ đỏ” đúng như thỏa thuận ban đầu nên dẫn đến tranh chấp và phải nhờ đến cơ quan Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong vụ án này, nếu như cán bộ thụ lý vụ án tích cực giải quyết, nhiệt tình hướng dẫn cho người dân rõ ràng, thấu đáo hơn thì sẽ không xảy ra khiếu nại và Tòa sẽ giải quyết vụ án được nhanh chóng hơn. 

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN