Nghiên cứu viên Công ty dược phẩm sinh học CureVac điều chế vaccine phòng dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Tuebingen, Đức ngày 12-3-2020. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Chi tiết hợp đồng này không được công bố nhưng BioNTech cho biết các điều khoản được soạn thảo dựa trên khung thời gian bàn giao hàng và số lượng liều được bàn giao.
Một thỏa thuận giữa BioNTech, Pfizer và Chính phủ Mỹ được công bố mới đây cho thấy giá mua 100 triệu liều vaccine COVID-19 là gần 2 tỷ USD.
Theo thỏa thuận giữa Tokyo và hai hãng trên, lô vaccine đầu tiên sẽ được bàn giao cho Nhật Bản vào nửa đầu năm 2021.
Tới nay, Nhật Bản được cho là đã tránh được những hậu quả nặng nề của dịch bệnh, kiềm chế số ca bệnh ở khoảng 32.500 ca và trên 1.000 ca tử vong kể từ khi ca đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1-2020. Tuy nhiên, kể từ khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia hai tháng trước, số ca mắc mới tại Nhật Bản lại gia tăng. Ngày 30-7, Thị trưởng Tokyo cảnh báo có thể áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp mới nếu số ca mắc mới tiếp tục gia tăng.
Hiện các công ty và phòng thí nghiệm trên toàn cầu đang chạy đua với thời gian để tìm ra loại vaccine ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19, vốn đã khiến trên 667.000 người tử vong và đảo lộn cuộc sống của hàng trăm triệu người dân trên thế giới. Hơn 200 loại vaccine đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có khoảng gần 20 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm trên người.
BioNTech và Pfizer mới đây đã quyết định đẩy nhanh thử nghiệm với những mẫu vaccine tiềm năng nhất, được biết đến với tên BNT162b2. Đầu tuần này, hai công ty đã tuyên bố bắt đầu thử nghiệm vaccine trên quy mô lớn với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên khỏe mạnh. Một khi thu được những kết quả thành công và được cấp phép, Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ sản xuất được tối đa 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2020 và "tiềm năng sản xuất hơn 1,3 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021".
Nguồn: TTXVN