Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm nay (18-7-2019) đưa tin, Nhật Bản đang xem xét khả năng đưa vấn đề lao động thời chiến với Hàn Quốc ra Tòa án quốc tế, trong bối cảnh Hàn Quốc vừa qua từ chối đề xuất thành lập Ủy ban trọng tài chung.
Ông Lee Choon-shik - một nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến cùng với những người ủng hộ ông tại Seoul, Hàn Quốc ngày 30/10/2018. Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 17-7, Đài truyền hình NHK cũng trích dẫn phát biểu của ông Yasutoshi Nishimura, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, chỉ trích Hàn Quốc sau khi Tổng thống Moon Jae In từ chối đề xuất thành lập Ủy ban trọng tài chung, đồng thời cho rằng vấn đề này phải do cơ quan tư pháp xử lý.
Mâu thuẫn Nhật - Hàn bắt đầu từ việc một tòa án ở Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật phải bồi thường thêm cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ 1910 tới hết Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Phía Nhật cho rằng vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định 1965. Theo đó, Hàn Quốc nhận 300 triệu USD viện trợ kinh tế, 500 triệu USD qua các khoản vay không hoàn lại để giải quyết hoàn toàn vấn đề. Tuy nhiên, các nạn nhân chiến tranh đã khởi kiện hiệp định này và cho rằng chính phủ đã quyết định mà không hề hỏi ý kiến nhân dân.
Năm 2018, toà án ở Hàn Quốc buộc các công ty Nhật bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các luật sư Hàn Quốc cũng đã yêu cầu chính quyền nước này tịch thu tài sản của một số công ty Nhật ở Hàn Quốc, như tập đoàn Mitsubishi Heavy, để thực thi yêu cầu bồi thường của toà.
Trong một động thái liên quan, ông Yasutoshi Nishimura khẳng định, chính phủ Nhật Bản sẽ làm mọi cách để bảo vệ lợi ích của các công ty nước này.
Nguồn: vov.vn