Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển nghề nuôi thủy sản

13/03/2023 - 05:34

BDK - Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 47.800ha; trong đó, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 12.500ha, phát triển thêm 500ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, lũy kế đến cuối năm 2023 đạt 3067ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 334.500 tấn; trong đó, sản lượng tôm nước lợ đạt 94.500 tấn, cá tra 205.000 tấn. Tập trung nguồn lực phối hợp với các địa phương rà soát hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm nước lợ đăng ký đối tượng nuôi chủ lực phục vụ truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Mô hình nuôi tôm - lúa ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú.

Mô hình nuôi tôm - lúa ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đã được xác định, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp cùng với các nhà đầu tư tập trung triển khai các giải pháp để phát triển nghề nuôi thủy sản gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

 Tổ chức lại sản xuất, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ/cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (mục tiêu là mỗi huyện thành lập 1 hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao 10 tỷ đồng/ hợp tác xã). Rà soát, đánh giá xác định những khâu yếu trong chuỗi giá trị các đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh để củng cố, nâng cấp nhằm tạo sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ...

Đầu tư cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm nước lợ, phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng địa phương triển khai nhanh dự án hạ tầng (thủy lợi, đường giao thông) vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn huyện Ba Tri, Bình Đại.

Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, các dự án cụ thể DAWB 11 giai đoạn 2023 - 2026 để đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ huyện Thạnh Phú. Phối hợp với Công ty Điện lực Bến Tre ưu tiên đầu tư hệ thống điện 3 pha cho các vùng nuôi nước lợ tập trung trên địa bàn 3 huyện biển.

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất. Phối hợp với Sở KH&CN và các sở, ngành có liên quan huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư hợp tác nghiên cứu triển khai ứng dụng KH&CN mới để phát triển nghề nuôi tôm. Vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tham gia sản xuất trong vùng nuôi tôm tập trung. Phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao quy mô nhỏ (1 - 2ha), phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân. Đây là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao tập trung cũng như đủ điều kiện phát triển 4.000ha vào năm 2025.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai các chính sách cho vay vốn nuôi tôm nước lợ theo Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vận động, thu hút đầu tư ít nhất 1 - 2 nhà máy chế biến tôm tại tỉnh, góp phần nâng cao giá trị chuỗi tôm của tỉnh, trong đó Bình Đại phải có 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Thuận.

Liên kết phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất cung cấp đầu vào về con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và doanh nghiệp chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm cùng với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn trong nuôi tôm nước lợ để người sản xuất và các doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm. Quan tâm hình thành các hợp tác xã để xây dựng các quy chuẩn phù hợp đáp ứng thị trường thế giới để có đầu ra ổn định lâu dài.

“Tỉnh sẽ đề xuất kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản cho tỉnh. Cụ thể là Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm công nghệ cao huyện Bình Đại, Thạnh Phú. Hiện nay, người nuôi tôm nước lợ đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn sản xuất, vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn, cho vay ưu đãi, nâng tỷ lệ vốn vay đối với các hộ nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)

Bài, ảnh: Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN