Nhiều chuyển biến mới trong xây dựng đô thị thông minh

19/09/2022 - 05:31

BDK - Triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hình thức triển khai và đang từng bước cụ thể hóa đề án. Hiện tại, các địa phương đang xây dựng các kế hoạch và có những bước đổi mới, chuyển biến tốt trong tư duy và tiến trình phát triển ĐTTM.

Cán bộ Thư viện Nguyễn Đình Chiểu hướng dẫn học sinh tra cứu tìm sách điện tử.

Cán bộ Thư viện Nguyễn Đình Chiểu hướng dẫn học sinh tra cứu tìm sách điện tử.

Kết quả bước đầu tại các địa phương

Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở để các địa phương triển khai tuyên truyền các nội dung của Đề án 950 cũng như các chỉ đạo của UBND tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân tại địa phương về CĐS, phát triển ĐTTM. Từ chủ trương chung, các huyện, thành phố cũng đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch thực hiện.

Đề án 950 xác định trong giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản gồm: quy hoạch ĐTTM, xây dựng và quản lý ĐTTM, cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Tại tỉnh, TP. Bến Tre là địa phương đi đầu trong triển khai xây dựng ĐTTM. Từ đầu năm 2021 đến nay, TP. Bến Tre đã triển khai các tiện ích và dịch vụ tiện ích thông minh đưa vào phục vụ người dân. Các lĩnh vực đạt kết quả như: về quản lý chiếu sáng thông minh, thành phố đã hoàn thành giai đoạn 1, cải tạo 83% hệ thống đèn chiếu sáng công cộng từ công nghệ cũ sang đèn led công nghệ IOT. Hoàn thành thí điểm và đưa vào hoạt động phần mềm phản ánh “TP. Bến Tre trực tuyến”, tiếp nhận và xử lý các tin phản ánh trên các lĩnh vực như: tập trung mua bán, lấn chiếm lòng lề đường, xả rác, vi phạm quảng cáo, xây dựng không phép và các vấn đề khác. TP. Bến Tre cũng đang triển khai thí điểm 5 camera giám sát tại các vị trí trọng điểm, đồng thời tận dụng 30 camera của các xã, phường trên địa bàn đấu nối vào trung tâm điều hành thông minh IOC TP. Bến Tre. Tại các địa điểm công cộng như: công viên Đồng Khởi, công viên Bến Tre đã được lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí phục vụ cho người dân sử dụng khi tham gia vui chơi và giải trí và đang tiếp tục triển khai tại các công viên khác trên địa bàn.

TP. Bến Tre đã cung cấp được 77 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (25 thủ tục cấp huyện và 52 thủ tục cấp xã) và 196 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (158 thủ tục cấp huyện và 38 thủ tục cấp xã). Tỷ lệ văn bản điện tử gửi liên thông đạt 99%. Việc triển khai chữ ký số cho lãnh đạo các phòng ban đã được triển khai thực hiện 100% cho lãnh đạo các cơ quan, ban ngành thành phố từ năm 2017. Trung tâm điều hành thông minh IOC của thành phố tiếp tục được hoàn thành khâu tổng hợp thông tin dữ liệu trên các lĩnh vực vào hệ thống.

Các huyện khác cũng đã có những chuyển biến trong thực hiện CĐS và phát triển ĐTTM. Điển hình như huyện Ba Tri đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách. Duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị: các đồ án quy hoạch đô thị sau khi được phê duyệt được cập nhật trên trang thông tin điện tử huyện Ba Tri (https://batri.bentre.gov.vn/). Thực hiện được mô hình chợ 4.0 tại chợ Ba Tri hơn 60 tiểu thương tham gia thanh toán không dùng tiền mặt... Các địa phương khác như: Châu Thành, Bình Đại cũng đang tích cực thực hiện các nội dung CĐS cấp huyện, cấp xã và đã có Trung tâm điều hành thông minh IOC cấp huyện.

Việc xây dựng ĐTTM đã được Sở Xây dựng lồng ghép triển khai trong thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và thiết kế đô thị cũng như các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội. Ngành đang tích cực phối hợp thực hiện số hóa dữ liệu quy hoạch đô thị và quản lý xây dựng vào dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Bến Tre và ứng dụng công bố thông tin quy hoạch xây dựng đô thị”.

Thúc đẩy sự tham gia của người dân

Ghi nhận tại cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa đoàn công tác của các sở ngành tỉnh tại Tiền Giang về phát triển ĐTTM, một số vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được thẳng thắn nhìn nhận. Trước hết đó là vốn đầu tư cho việc phát triển ĐTTM có hạn, trong khi có rất nhiều các vấn đề cơ bản cần giải quyết cho đô thị phát triển như: dân số tăng, các vấn đề môi trường tăng, vấn đề hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, vấn đề về năng lượng, ngập lụt đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện tại kinh phí thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển ĐTTM chủ yếu từ nguồn ngân sách từ Trung ương và tỉnh.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc phát triển ĐTTM và chương trình CĐS gặp rất nhiều khó khăn trong khi các giải pháp khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin có sự phát triển, thay đổi liên tục dẫn đến việc khi thực hiện các dự án thì giải pháp công nghệ sẽ không còn phù hợp.

Thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng và nhân lực cho CĐS và phát triển ĐTTM còn thiếu hoặc không có, chưa đáp ứng yêu cầu. Các đô thị trên địa bàn huyện mới được hình thành trên nền trung tâm xã hiện hữu, chưa phát triển về hạ tầng, các nhà đầu tư có quan tâm đề xuất thực hiện các dự án khu đô thị mới nhưng các dự án này chưa được triển khai xây dựng. Các tổ chức và cá nhân chưa rõ việc thực hiện chính quyền điện tử nên còn liên hệ thực hiện trực tiếp tại các bộ phận chuyên môn.

Một trong các nguyên tắc chính khi triển khai thực hiện Đề án 950 đã được xác định là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý ĐTTM, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.

Các yếu tố phát triển ĐTTM hiện cần tập trung giải pháp để người dân thật sự tham gia vào quá trình CĐS, hưởng thụ được những lợi ích từ các ứng dụng tiện ích, thông minh, phục vụ cho đời sống. Hiện vẫn còn một bộ phận người dân còn chưa quen cũng như gặp một vài khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ. Bên cạnh đó, tâm lý e dè, ngại va chạm cũng là một trở ngại lớn trong việc khuyến khích người dân tham gia tích cực vào CĐS.

Theo thống kê, đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM. Về triển khai các dịch vụ ĐTTM, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị. Ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh...

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN