Hiện nay, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đi tiên phong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đã thành công bước đầu. Chúng tôi xin giới thiệu một số doanh nghiệp tiêu biểu đạt giải thưởng trong hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Bến Tre lần thứ II, năm 2008-2010.
Công ty TNHH Thanh Bình ở An Hiệp (Châu Thành), chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng từ khi bước vào kinh tế thị trường phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt, nhất là các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng như mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng. Năm 2008, Công ty áp dụng thành công công nghệ sản xuất chỉ xơ dừa suôn. Đây là sản phẩm mới, có nhu cầu tiềm năng lớn trên thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Từ máy tướt chỉ suôn thủ công, Công ty đã cải tiến, hoàn thiện hệ thống kẹp tự động giữ vỏ dừa, vừa di chuyển vỏ dừa kết hợp trục tướt để thực hiện quá trình tướt vỏ thành chỉ thành phẩm. Trống tướt, chông tướt được cải tiến để điều chỉnh độc lập chông tướt. Trống, chông tướt được làm từ vật liệu bằng thép thay thế trống gỗ và chông tướt bằng đinh đóng gỗ. Năng suất trung bình đạt từ 100 - 150kg chỉ thành phẩm/ngày, nếu so với làm thủ công chỉ từ 5-7kg/ngày. Từ kết quả trên, hàng xuất khẩu của Công ty tăng 14%/năm; doanh thu, lợi nhuận tăng gấp 2 lần.
Công ty TNHH Vĩnh Tiến (phường Phú Tân, TP Bến Tre), chuyên sản xuất kẹo với sản lượng 1.500 tấn thành phẩm/năm, doanh thu bình quân 20 tỷ đồng/năm. Từ nhiều năm qua, Công ty sản xuất theo kiểu truyền thống thủ công, sản phẩm rất khó xuất khẩu vì không đáp ứng đủ số lượng, không đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2009, Công ty mạnh dạn áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; đã đầu tư thiết bị công nghệ mới như hệ thống rửa cơm dừa tự động có hồi lưu tiết kiệm nước, cấp nhiệt cho hệ thống phối trộn, nồi cô đặc kiểu nằm và xử lý nước thải sinh học. Hệ thống rửa theo nguyên lý rửa sục, tự xoay. Nước được sục vào cơm dừa và hoàn lưu để tiết kiệm nước, tiết giảm công lao động, giảm tải lượng nước thải. Công ty cũng đã đầu tư máy ép sữa dừa liên hợp công suất 800kg cơm dừa trắng/giờ, có tỷ lệ thu hồi sữa dừa tối đa 75-80%. Ưu điểm của công nghệ này là điều chỉnh được tỷ lệ thu hồi sữa dừa nhanh. Một ưu điểm khác của máy này là ép tách phần sữa dừa và phần bã dừa riêng biệt nên bã dừa được tái sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất bánh dừa - một sản phẩm mới của Công ty. Hệ thống phối trộn, nồi cô đặc sử dụng nhiệt gián tiếp, cấp hơi bằng lò hơi kiểu nằm đã tiết kiệm được nhiên liệu so với các lò hơi kiểu đứng của nhiều cơ sở cũ đang áp dụng. Một ứng dụng khác là thay đổi công nghệ chiết rót, định hình, đóng gói tự động, khử trùng sản phẩm bằng tia cực tím; đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo hướng sinh học, công suất 20m3/ngày đêm. Hệ thống này hoạt động hiệu quả, chi phí vận hành thấp, nước thải đạt tiêu chuẩn loại A. Nhờ vậy, công ty đã tiết kiệm 20% nhiên liệu, tỷ lệ hao hụt khoảng 2% do cháy khét, giảm chi phí phải xử lý lại sản phẩm nhiễm khuẩn 5%, giảm chi phí tái chế sản phẩm lẫn cát 1%. Tổng tiết kiệm hàng năm khoảng 1,4 tỷ đồng; đặc biệt, giảm tiêu thụ 380m3 củi, tương đương giảm thải 205 tấn CO2/năm. Giảm thiểu chất thải rắn do không còn sản phẩm cháy khét, sản phẩm xử lý lại, tái chế. Cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân do giảm được nhiệt độ môi trường của xưởng cô đặc từ 38-45 độ C xuống còn 30-35 độ C, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đã hình thành thêm dòng sản phẩm mới là bánh dừa có giá thành hạ 50% so với sản xuất trước đây.
Viễn thông Bến Tre áp dụng hệ thống thông tin quản lý giáo dục VNPT School, mang lại lợi ích thiết thực cho giáo viên, phụ huynh. VNPT School là hệ thống tập trung gồm 2 thành phần được kết hợp với nhau thành một hệ thống thống nhất gồm bộ phần mềm ứng dụng quản lý trường học và cổng thông tin đóng vai trò như sổ liên lạc điện tử giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. VNPT School hoạt động tập trung và mang tính đồng bộ cao trên nền cơ sở hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin hiện đại. Tiện ích của công nghệ này là người truy cập có thể vào mọi lúc, mọi nơi. Giáo viên có thể cập nhật điểm, điểm danh, các thông tin khác. Điều quan trọng là hệ thống này giúp phụ huynh nắm được tình hình học tập của con em mình kịp thời, theo dõi kết quả học tập không cần đến giáo viên phát đem về nhà. Khi hệ thống này đưa vào vận hành những lúc cao điểm trang cổng thông tin đã đón nhận trên 16.000 lượt truy cập/ngày, trong đó có 337 trường học trong tỉnh với 12.840 giáo viên, 184.157 học sinh.
Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông (Bình Đại) đã áp dụng thành công qui trình đồng quản lý loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, góp phần khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn nghêu Bến Tre. HTX Rạng Đông quản lý trên 900ha đất bãi bồi nuôi nghêu thịt và nghêu giống. Doanh thu năm 2010 trên 60 tỷ đồng, giải quyết hàng ngàn lao động có việc làm ổn định. Để phát triển bền vững, HTX đã áp dụng thành công qui trình đồng quản lý và được Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận MSC đối với nghề khai thác nghêu Bến Tre. HTX đã áp dụng 3 nguyên tắc là: khai thác không làm cạn kiệt nguồn lợi, không làm ảnh hưởng đến quần thể các loài động thực vật và sinh cảnh trong khu vực, hệ thống thể chế quản lý hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng cộng đồng trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc gia, quốc tế. Nhờ áp dụng thành công qui trình này nên HTX đã quản lý, khai thác có hiệu quả con nghêu trong thời gian qua.

Sản xuất giống tại Thừa Đức (Bình Đại) của Công ty Huy Thuận.
Ảnh: H.H
Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận (phường Phú Tân,TP Bến Tre) ứng dụng thành công quy trình sản xuất giống tôm sú Penaseus Monodon, tạo nguồn tôm giống sạch bệnh, không sử dụng kháng sinh. Xuất phát từ nhu cầu tôm giống trong tỉnh, năm 2005, Công ty đã mạnh dạn đầu tư trại sản xuất giống tôm sú ở Thừa Đức (Bình Đại) với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng và cho tôm đẻ thành công đầu tiên ở Bến Tre. Năm 2007, Công ty tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thành công qui trình sản xuất tôm sú giống bằng công nghệ mới là chỉ sử dụng tôm bố mẹ đã giao vĩ ngoài môi trường tự nhiên, không sử dụng tôm đực và chỉ cho đẻ tối đa 3 lần. Mỗi tôm mẹ được nuôi riêng cho đẻ nhằm tránh lây lan mầm bệnh. Sử dụng men vi sinh PraWnBac làm cho đáy bể sạch, giúp tôm mau lột xác. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng phòng thí nghiệm để xét nghiệm bệnh MBV toàn bộ các mẻ tôm trước khi xuất bán. Năm 2010, Công ty tiếp tục đầu tư phát triển thêm Khu B - Trung tâm sản xuất giống Thừa Đức, nâng quy mô lên 15 trại ương giống và 1 trại tôm bố mẹ với tổng công suất trên 1 tỷ post/năm.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh thành công với quy trình kiểm soát chất lượng cacao lên men. Trung tâm tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức Acdi/voca đã đầu tư mới các trang thiết bị đồng bộ như tủ sấy, máy đo độ ẩm, dụng cụ cắt hạt cacao Magra, máy nghiền hạt, máy tách vỏ hạt, máy nghiền End Runner. Trước đây, khoảng 89 cơ sở sản xuất hạt cacao lên men trong tỉnh đều dựa vào kinh nghiệm là chính nên chưa đánh giá chính xác chất lượng mùi vị cacao. Cho nên, Trung tâm đã xây dựng phòng cảm quan bột nhão cacao. Đây cũng là cơ sở thứ hai trong cả nước kiểm soát lên men bằng phương pháp này. Để kiểm soát chất lượng cacao Bến Tre, Trung tâm đã thử nghiệm tại 77 cơ sở lên men ở Bến Tre, 29 cơ sở ở Tiền Giang. Qua đó, Trung tâm chọn ra 40 cơ sở mỗi tháng lấy mẫu một lần, số còn lại lấy mẫu mỗi tháng 2 lần. Sau đó, 2 tháng tổ chức họp một lần để phản hồi kết quả. Kết quả, các cơ sở được Trung tâm hỗ trợ đều có chất lượng hạt cacao lên men đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam 7519:2005. Mùi vị đạt bằng mẫu chuẩn MBP (mẫu thực hành sản xuất tốt).