Nhiều đổi thay ở vùng quê Hưng Lễ

07/02/2014 - 08:06
Nhiều mạnh thường quân góp phần chia sẻ khó khăn để các em học sinh ở Hưng Lễ được đến trường.

Những ngày Tết Nguyên đán 2014, tôi có dịp về vùng quê xã Hưng Lễ (Giồng Trôm). Hình ảnh đập vào mắt là những con đường được rộng mở và bê-tông hóa, nhiều căn nhà tường khang trang, nhà nhà rộn rã tiếng nói, nụ cười tươi… Tất cả cho thấy, Hưng Lễ hôm nay đã đổi thay và đang trong diện mạo mới.

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Chủ tịch UBND xã Hưng Lễ Trương Văn Nguyền thông tin vui: Hưng Lễ là một trong 3 xã của huyện được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nên đã nhận được sự quan tâm của các ngành từ Trung ương đến địa phương. Lãnh đạo xã nhận thức đây là cơ hội, động lực để Hưng Lễ - một xã vùng nông thôn còn lắm khó khăn tiếp tục phấn đấu vươn lên, rút ngắn khoảng cách với các xã có điểm xuất phát thuận lợi hơn. Chủ trương chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Nhiều cán bộ, công chức cấp xã và ấp được cử đi đào tạo, tập huấn chương trình xây dựng nông thôn mới. Các đoàn thể tổ chức tọa đàm, với nội dung về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Khi nhận thức được mục đích, ý nghĩa của xây dựng xã nông thôn mới, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, hộ dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu cộng với sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân, doanh nghiệp đã triển khai thi công nhiều công trình, đem lại lợi ích thiết thực cho địa phương. Trong năm 2013, xã đã huy động được hơn 16,208 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp hơn 1,114 tỷ đồng, mạnh thường quân hơn 1,047 tỷ đồng, số còn lại vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghép, vốn tỉnh, huyện và xã.

Có lẽ những ai đã từng quan tâm, gắn bó với Hưng Lễ sẽ tường tận sự khởi sắc của địa phương. Hình ảnh những con đường lầy lội của ngày nào giờ đây gần như được thay thế hoàn toàn bằng những con đường bê-tông, đường đá dăm tôn cao ráo. Hàng loạt cây cầu bê-tông đã thay thế cho cầu khỉ, cầu dừa tạm bợ. Đột phá dấu ấn là những cây cầu bê-tông vượt sông nối liền với các xã lân cận mà nhiều người dân ở Hưng Lễ chưa từng nghĩ đến. Bây giờ, từ Hưng Lễ đến Hưng Nhượng (Giồng Trôm), Tân Hưng (Ba Tri) việc đi lại rất dễ dàng. Cống đập Sơn Đốc 1 nằm trong Dự án Hệ thống thủy lợi Cầu Sập đầu mối cấp, thoát nước nhưng chưa đảm bảo cho Hưng Lễ và nhiều xã thuộc huyện Giồng Trôm và Ba Tri, nay tiếp tục được đầu tư thi công, với kinh phí 147 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn ưu đãi. Khi cống đập Sơn Đốc 2 hoàn thành, đưa vào vận hành cùng cống đập Sơn Đốc 1 ngăn mặn, trữ ngọt, tiếp tục đánh thức lợi thế tiềm năng nông nghiệp của cả một vùng đất rộng lớn đã từng hàng chục năm nhiễm mặn rất khó khăn trong chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp.

Nhắc đến Hưng Lễ, nhiều người thường nghĩ đến khó khăn phủ trùm lên cả vùng quê này. Nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng và được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa, rồi đến triển khai thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới, Hưng Lễ đã thật sự thay da đổi thịt. Điều này đã khẳng định ý Đảng hợp lòng dân đã tạo sức mạnh trong đổi mới và phát triển. Hiện xã đã thực hiện xong quy hoạch và cắm mốc chỉ giới trung tâm xã. Đồ án quy hoạch được niêm yết công khai đến tận tổ nhân dân tự quản để người dân biết. Huyện làm chủ đầu tư thi công 1,4/4,2km đường liên xã, đoạn từ Hưng Lễ dẫn đến đường vào cầu Hiệp Hưng. 6,15/12,3km đường từ xã đến ấp và liên ấp đã được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. 1,680/1,800km đường từ ấp đến khu dân cư đã được đầu tư xây dựng đảm bảo cứng hóa và không lầy lội vào mùa mưa. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa còn vận động nhân dân đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2,810km đường bê-tông liên tổ, hoàn thành 4 cây cầu và 1 móng cầu góp phần cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Hàng năm từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí, huyện hỗ trợ ngân sách dự phòng đã gia cố đê bao sạt lở, nạo vét kênh mương nội đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Toàn xã có  8,2km điện trung thế, 28,27km điện hạ thế. Năm 2013, tỉnh và huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp 7,010km đường dây hạ thế phục vụ cho các hộ dân nhà ở xa trung tâm xã. Hiện có 1.885/1.889 hộ dân sử dụng điện. Xã có 3 điểm trường: Mẫu giáo, Tiểu học và THCS. Hiện trường tiểu học khu trường chính có cơ sở vật chất đạt chuẩn, khung trường ở các ấp đang trình huyện cho chủ trương nâng cấp. Một hộ dân đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng 738m2 đất để mở rộng trường THCS. Năm 2013, Hưng Lễ được tái công nhận đạt phổ cập giáo dục THCS.

Định hình cơ cấu cây trồng vật nuôi

Suốt một thời gian dài, mỗi năm Hưng Lễ chịu ảnh hưởng từ 4 tháng nước mặn trở lên. Gần đây, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mặn từ cửa sông chính xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, thời gian bị nhiễm mặn kéo dài. Phần lớn diện tích đất của xã bị nhiễm mặn, có thời điểm chỉ cấy được  một vụ lúa Mùa, năng suất không cao. Địa phương lúng túng trong chọn cây trồng vật nuôi phù hợp. Đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên rời khỏi địa phương, đến các tỉnh làm thuê. Theo Chủ tịch UBND xã Trương Văn Nguyền, hiện Dự án Hệ thống thủy lợi Cầu Sập tuy chưa được khép kín nhưng hiệu quả thấy rất rõ, bước đầu đã ngăn nước mặn và trữ ngọt. Một số chủng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đã định hình. Nhiều hộ gia đình không còn đến các địa phương khác để mưu sinh, đã bám trụ lại gia đình và từng bước đánh thức lợi thế tiềm năng diện tích đất sở hữu. Đất trồng dừa tăng 224,26ha, nâng tổng diện tích toàn xã lên 950,26ha, năng suất bình quân 14.400 trái/ha/năm. Có 21,12ha ca cao trồng xen trong vườn dừa, trong đó 16,5ha cho trái, năng suất 7 tấn trái tươi/năm. Hiện diện tích đất trồng mía còn 78,96ha (giảm 203,04ha), năng suất bình quân 60 tấn/ha. Đất trồng lúa còn 15,44ha, năng suất 4 tấn/ha. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn phát triển chăn nuôi, với tổng đàn tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể đàn gia cầm 39.841 con (tăng 18.251 con), đàn bò 1.001 con (tăng 489 con), heo 2.972 con (tăng 230 con). 53 hộ dân ở khu vực ngoài tuyến đê ở ấp 9 và 12 đã chuyển đổi 19,32ha đất mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân 12 tấn/ha, đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng mía. Từ sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua nguyên liệu, nội bộ hộ dân đã hình thành tổ hợp tác đan giỏ cọng dừa và bó chổi cọng dừa, với tổng số 50 tổ viên, giải quyết thời gian nhàn rỗi và có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. 60 hộ dân liên kết hình thành tổ hợp tác cải tạo, nâng cao năng suất vườn dừa, tiêu thụ sản phẩm dừa. Có 84 lao động được đào tạo nghề may công nghiệp và thợ nề theo Quyết định 1965, cơ hội có được việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Toàn xã có 307 cơ sở sản xuất kinh doanh, chưa phát hiện trường hợp gây suy thoái môi trường. Nhiều hộ dân ý thức đào hố chứa rác thải, phân loại rác tại nhà; nhà ở có nhà tắm kín đáo, hố xí tự hoại, trồng cây xanh xung quanh nhà tạo cảnh quan môi trường.

Với điểm xuất phát thấp nhưng Hưng Lễ không ngừng cố gắng, nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Đảng bộ và nhân dân Hưng Lễ đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Theo kết quả khảo sát, hiện toàn xã có 1.336/1.889 hộ nhà ở đạt niên hạn sử dụng từ 20 năm trở lên, đảm bảo “3 cứng” và các công trình phụ trợ. Trong năm 2013, thông qua các nguồn kinh phí, xã đã đầu tư xây dựng 22 căn nhà tình thương và 9 căn nhà tình nghĩa hỗ trợ cho gia đình chính sách và hộ nghèo bức xúc về nhà ở. Hiện xã tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 10 căn nhà và tu sửa 4 căn nhà tình nghĩa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/người, tăng 3 triệu đồng/người so với năm 2012. Xã còn 127 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,7%. Kết quả bước đầu là điểm tựa, động lực để Hưng Lễ tiếp tục phấn đấu vươn lên, từng bước hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN