Nhiều hộ dân tham gia Tổ hợp tác dừa xiêm xanh

11/08/2017 - 07:12

Hơn một tháng thành lập và đi vào hoạt động theo Nghị định số 151/2007 của Chính phủ, Tổ hợp tác (THT) dừa xiêm xanh Phong Mỹ đã được đông đảo hộ dân xin vào. Theo họ, tham gia kinh tế tập thể, điều kiện sản xuất, vị thế trước thương lái đều thuận lợi hơn.

“Vào THT được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dừa, nhờ đó tôi đã biết cách giảm số lần bón phân hóa học từ 12 lần/cây/năm xuống còn ít hơn. Trọng lượng phân bón trong mỗi lần cũng giảm xuống, thay vào đó tăng cường bón phân hữu cơ. Chi phí phân thuốc thấp hơn gần phân nửa, thu hoạch từ 600 - 700 trái/tháng từ 4 công dừa. Thêm nữa, mình cũng có chút ít thông tin về xu hướng thị trường khi được hợp đồng với công ty thu mua”, nông dân Võ Văn Đức 60 tuổi cho biết.

“Khi tham gia THT, được làm ăn trực tiếp với công ty thu mua, chúng tôi mới biết điều quan trọng nhất của người nông dân là tập trung canh tác sao cho sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Bởi khâu đầu ra đã có phía công ty lo hết, với giá cả luôn chấp nhận được”, ông Đức phấn khởi. Theo 19 thành viên THT dừa xiêm xanh Phong Mỹ, họ đều đã ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH sản xuất dừa Mekong (huyện Châu Thành). Theo đó, dừa loại I (từ 1,3kg/trái trở lên), công ty thu mua ngang giá thị trường và nếu giá thị trường xuống thấp nông dân vẫn bán được 50 ngàn đồng/chục. Đặc biệt, những trái dừa loại II (từ 1,1kg/trái đến dưới 1,3kg/trái) được công ty thu mua với giá thấp hơn 10 ngàn đồng/chục, dừa dạt (dưới 1,1kg/trái) giá thấp hơn loại II là 10 ngàn đồng/chục.

“Giá dừa loại I thì không cần bàn, còn dừa loại II và dạt được phía công ty mua cao hơn các thương lái tự do bên ngoài từ 20 - 30 ngàn đồng/chục. Trong khi trực tiếp đến bẻ dừa, người của công ty còn loại bỏ những trái dừa ẻo không có tính cạnh tranh với các trái trên buồng dừa và vệ sinh rác trên đọt dừa. Ngoài ra, họ còn tư vấn một số khó khăn gặp phải trong khi chăm sóc dừa. Vì vậy, chẳng những năng suất dừa đạt cao, ổn định hơn mà phần lớn trong đó đều là dừa loại I. Với giá cả và cách thức mua, phân loại mà phía công ty dành cho chúng tôi hiện nay đã cơ bản khắc phục những khó khăn về giá đối với trái dừa vào mùa mưa”, ông Nguyễn Văn Nghị - thành viên THT phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Văn Dân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Mỹ, hiện có hơn 100 nông dân khác cũng trồng dừa xiêm xanh trên địa bàn xã xin gia nhập THT dừa xiêm xanh Phong Mỹ. Quan điểm của chính quyền địa phương là tiếp tục tuyên truyền để thành lập thêm nhiều THT mới. Thông qua đó sẽ mở các lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền về Luật HTX năm 2012, cũng như các định hướng, chính sách khác của Trung ương, địa phương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, việc liên hệ, mời gọi doanh nghiệp đầu tư, hợp tác với các tổ chức kinh tế tập thể là giải pháp quan trọng nhất.

“Tuy phong trào gia nhập kinh tế tập thể đang lan rộng mạnh mẽ, nhưng những định kiến về mô hình kinh tế tập thể kiểu cũ vẫn còn tồn tại trong bộ phận không nhỏ người dân. Chúng tôi sẽ thông qua tổ chức sơ khai của kinh tế tập thể là THT để hóa giải những định kiến đó. Khi các THT có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, cũng như tính trách nhiệm trong liên kết chuỗi với doanh nghiệp… chúng tôi sẽ tiến lên thành lập HTX, tạo điều kiện phát triển bền vững hơn cho người nông dân”, ông Dân khẳng định.

M.Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN