Nhiều lợi ích trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV

02/12/2016 - 07:01

Học sinh tham gia mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tỉnh Bến Tre năm 2016 ngày 1-12-2016. Ảnh: Lê Mai

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay chỉ có 51% số bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có mua và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong việc khám, chữa bệnh (KCB). 

Nguyên nhân mà bệnh nhân còn chưa mua và sử dụng thẻ BHYT là do sợ bị lộ thông tin bản thân bị nhiễm HIV khi đi đăng ký mua, cảm thấy mình không có nhu cầu sử dụng...

Hỗ trợ người bệnh

Theo Thông tư số 15 ngày 26-6-2015 của Bộ Y tế thì người nhiễm HIV tham gia BHYT khi KCB liên quan HIV/AIDS được hưởng quyền lợi KCB theo quy định của Luật BHYT. Sắp tới, thuốc ARV sẽ nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả. Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số được bảo hiểm chi trả 100% chi phí KCB. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.

Với những lợi ích được ghi nhận này, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… BHYT giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế nhất là khi điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Nếu làm bài toán mức phí đóng BHYT một năm là 621 ngàn đồng, chia trung bình 1 ngày chỉ bỏ ra gần 2 ngàn đồng để đổi lại sự an tâm khi được hỗ trợ của BHYT trong quá trình KCB trong suốt 1 năm thì chi phí này là thực sự trong khả năng kinh tế của mỗi người.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người mang tâm lý tự ti, sợ bị lộ thông tin khi đăng ký mua BHYT. Chị H.A ở huyện Châu Thành tâm sự: “Tôi và con gái 7 tuổi đều bị nhiễm HIV, tôi uống thuốc được hơn 3 năm, kinh tế gia đình chỉ đủ để sinh hoạt hằng ngày. Tôi biết có BHYT sẽ đỡ tốn tiền lắm nhưng sợ khi đi đăng ký mua người ta biết mẹ con tôi bị nhiễm HIV. Tôi thì không sao nhưng con tôi còn nhỏ quá, lỡ người ta biết tội nghiệp cháu”. Cũng không ít trường hợp vì hoàn cảnh kinh tế, gặp khó khăn khi cùng một lúc bỏ ra số tiền khá lớn để mua thẻ BHYT.

“Cứu cánh” cho điều trị

BHYT hiện là “cứu cánh” cho bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV, đặc biệt trong tình hình các nguồn viện trợ quốc tế về thuốc ARV tại Việt Nam sẽ bị cắt giảm vào năm 2017. Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Chi phí trung bình cho một bệnh nhân đang điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 là 6 triệu đồng/năm; chi phí trung bình của 1 bệnh nhân nội trú liên quan đến HIV/AIDS khoảng 4,3 triệu đồng/đợt, chưa kể đến các chi phí phát sinh khi mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Do đó, nếu bệnh nhân có thẻ BHYT thì chi phí điều trị sẽ được BHYT thanh toán. Vì vậy, gánh nặng về kinh tế của bệnh nhân và gia đình người bệnh được BHYT san sẻ”.

Gần 3 năm điều trị ARV, N.H.T (27 tuổi) cho biết: “Có BHYT mỗi lần đi khám và nhận thuốc, thông thường có vài chục hoặc hơn trăm ngàn đồng nên cũng đỡ, chứ tôi cũng biết uống thuốc này là phải uống suốt đời, hơn nữa định kỳ lại phải làm các xét nghiệm, chụp phim… tốn tiền lắm. Có BHYT nên tôi cũng an tâm”.

Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp có nhu cầu, người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB BHYT ban đầu có KCB HIV/AIDS trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Như vậy rất thuận lợi cho người nhiễm HIV. Việc thay đổi nơi KCB ban đầu theo quy định của Luật BHYT cũng có thể được thực hiện vào đầu mỗi quý. 

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Thoa, Bảo hiểm Xã hội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT có thể mua BHYT mới hoặc những người đã có BHYT mà nơi đăng ký ban đầu là tuyến xã hoặc huyện thì đến Bảo hiểm Xã hội để được đổi nơi đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (vì hiện tại chỉ có Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu  điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV). Khi đăng ký KCB ban đầu là Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thì lúc khám định kỳ sẽ không phải làm giấy chuyển tuyến, như vậy sẽ hạn chế bị lộ thông tin.

Mặc dù người nhiễm HIV vẫn có thể đăng ký điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS tuyến khác nhưng nếu không đúng tuyến thì mỗi năm vẫn cần giấy giới thiệu chuyển tuyến một lần. Hiện nay, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có thể cung cấp hầu hết dịch vụ kỹ thuật KCB phổ biến, do vậy,  người nhiễm HIV có thể kết hợp khi khám, chữa các bệnh khác.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thới - Trưởng Khoa Điều trị Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Bảo mật thông tin cá nhân người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật KCB và các quy định pháp luật khác. Chỉ có người nhiễm HIV và thầy thuốc mới biết được tình trạng nhiễm HIV, do vậy không ảnh hưởng đến lộ thông tin cá nhân hay tình trạng nhiễm HIV của một bệnh nhân. KCB bằng BHYT cũng không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử vì khi người nhiễm HIV đến khám tại các phòng khám bệnh sẽ có quy trình KCB chung của phòng khám như mọi bệnh nhân khác, không ai biết được một người nhiễm HIV. Do vậy không thể làm gia tăng việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV mà chính là giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, coi HIV như một bệnh truyền nhiễm khác, giảm kỳ thị phân biệt đối xử”.

Mít-tinh hưởng ứng tháng phòng, chống HIV/AIDS

Sáng 1-12-2016, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc tổ chức mít-tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tỉnh Bến Tre năm 2016 tại UBND huyện Mỏ Cày Bắc. Có hơn 400 đại biểu thuộc khối trường học, đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang và các khối, ban, ngành tham dự.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 6-2016, cả nước có 227.225 người nhiễm HIV, trong đó 85.753 người đang ở giai đoạn AIDS; từ đầu năm đến nay có 89.210 người tử vong vì HIV/AIDS. Tại tỉnh, tính đến tháng 6-2016, có 2.295 người nhiễm HIV, trong đó có 1.448 người đang ở giai đoạn AIDS và 882 người tử vong vì HIV/AIDS.

Các đại biểu được gặp gỡ và giao lưu nhân vật - người mắc bệnh HIV đã 17 năm chia sẻ về sự kỳ thị của xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào và những lợi ích của bảo hiểm y tế mang lại cho người nhiễm HIV.

Dịp này, ông Phạm Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Y tế kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đảm bảo cho sự phát triển của tỉnh cũng như đảm bảo sự ổn định của toàn xã hội. Qua đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về những lợi ích của BHYT mang lại cho người nhiễm HIV, phải thiết kế được bài toán so sánh sự khác biệt giữa việc sử dụng BHYT và không sử dụng BHYT trong quá trình điều trị để có sự lựa chọn theo hướng có lợi cho bản thân và gia đình.

Lê Mai

Anh Thư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN