|
Chị em hội viên phụ nữ đan giỏ lục bình. |
Cùng với nhiều mô hình như: tách vỏ hạt điều, đan ghế nhựa, may áo tràng, đan thảm vải..., mô hình đan giỏ lục bình hiện đang giúp nhiều chị em phụ nữ tại huyện Châu Thành có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tổ hợp đan giỏ lục bình của chị Bùi Thị Lánh (sinh năm 1964), ấp Tân Qui - xã Tân Phú, đang chật kín các mặt hàng mà chị em phụ nữ đã đan xong và đang chờ công ty đến để giao. Tổ hợp có 17 chị tham gia, trong đó có 8, 9 chị thuộc diện hộ nghèo. Các chị vừa làm vừa hướng dẫn nhau cách đan những kiểu giỏ mới. Chị Lánh kể, 9 năm trước, gia đình chị rất khó khăn nên chị xin vào Công ty Thanh Bình (xã An Hiệp) học nghề để có thể làm kiếm tiền lo cuộc sống hàng ngày. Sau một thời gian, khi tay nghề đã thành thạo, chị được Công ty tin tưởng cho lãnh hàng về nhà làm gia công. Ban đầu, chị chỉ lãnh đủ phần mình làm, dần dần thấy đây là công việc khá tốt, nhiều chị em đến xin chị hướng dẫn và nhờ chị lãnh hàng về làm thêm. Chị bắt đầu nảy ra ý tưởng mở một tổ chuyên gia công đan giỏ lục bình nhằm giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm việc làm để cải thiện cuộc sống. Hiện nay, tổ đan giỏ lục bình của chị đã được Dự án IFAD hỗ trợ và trở thành nơi gia công sản phẩm thô cho Công ty Đông Mai, ở xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc).
Chị Lý Thị Mỹ Tiên (sinh năm 1981),ở ấp Hàm Luông - xã Tân Phú, tâm sự: Nhà chị không đất sản xuất, có hai con nhỏ. Hàng ngày, hai vợ chồng chị kiếm sống bằng nghề làm mướn. Từ ngày được vào Tổ hợp tác đan giỏ lục bình của chị Lánh, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn. Nếu mỗi ngày đan từ 1-2 sản phẩm thì thu nhập khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Hoa ở ấp Tân Qui, trước kia làm nghề cắt lúa mướn, vợ chồng chị có 500m2, gia đình thuộc hộ nghèo. Chị cũng đan giỏ lục bình, gia đình chị đã cơ bản thoát nghèo và nuôi hai con ăn học. Với thâm niên trong nghề gần 5 năm, chị Hoa tâm sự, khi đã thành thạo rồi thì một ngày kiếm cũng được gần 100 ngàn đồng. Đối với người nghèo, thu nhập như vậy là quá tốt.
Không chỉ riêng Tân Phú, tại nhiều xã: Phú Đức, Quới Thành, Tiên Thủy, Tân Thạch…, nhiều chị em phụ nữ cũng đã được hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác đan giỏ lục bình xuất khẩu từ Dự án IFAD. Hầu hết các thành viên trong các tổ hợp tác thường nhận nguyên liệu về nhà tranh thủ thời gian nhàn rỗi ngồi đan. Chị Đỗ Thị Ngọc Thủy, ở xã Phú Đức, cho biết: “Tôi mới học đan được hai tháng nay, tranh thủ buổi trưa hoặc tối ngồi xem ti-vi tôi mới lấy ra đan. Lúc đầu chưa quen thì đan chậm, bây giờ đã khá quen tay rồi nên đan cũng nhanh và đều. Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 30.000 đồng để đi chợ mua thức ăn cho cả nhà”.
Chị Đỗ Thị Xuân - Trưởng nhóm Tổ hợp tác đan giỏ lục bình ấp Phú Hội - xã Phú Đức, cho biết: Sau khi tham gia lớp tập huấn, nhiều thành viên còn lúng túng về kỹ thuật và có nhiều kiểu mới chưa được hướng dẫn. Bản thân chị đã được Hội Phụ nữ xã mời hướng dẫn kỹ thuật lại cho chị em. Với nghề này, chỉ cần hướng dẫn vài ba ngày là đan được sản phẩm. Dù không khó nhưng chị em phải chịu khó, tỉ mỉ mới theo được nghề và có những sản phẩm đẹp, đạt chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay, Châu Thành có 7/23 xã đang triển khai mô hình đan giỏ lục bình, với khoảng 14 tổ gia công, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động nữ. Nhờ đó, đời sống của chị em ngày càng được ổn định, có điều kiện tham gia vào các phong trào Hội ở địa phương.