Nhiều phụ nữ thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội

31/10/2022 - 05:39

BDK - Hỗ trợ phụ nữ (PN) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Giồng Trôm. Vì vậy, thời gian qua, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều giải pháp giúp PN phát triển kinh tế.

Mô hình Tổ liên kết may bao tay của chị Trần Thị Lích đã tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Mô hình Tổ liên kết may bao tay của chị Trần Thị Lích đã tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho hội viên PN, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. Hàng năm, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp hộ nghèo do PN làm chủ được thoát nghèo từ 12% trở lên. Qua đó, tăng tỷ lệ hộ thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. 

Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Tạ Thị Cẩm Tú cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN huyện với NHCSXH, trong những năm qua, hội tăng cường khai thác nguồn vốn từ NHCSXH để tín chấp cho PN vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những năm gần đây, hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng rất hiệu quả. Đây là nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian cho vay vốn phù hợp, hỗ trợ thiết thực cho các hội viên, PN nghèo vay vốn để có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, tạo công ăn việc làm và vươn lên ổn định cuộc sống.

Để nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn được ủy thác, hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã có kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn thực hiện đúng quy trình công đoạn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó chú trọng công tác bình xét cho vay vốn đúng đối tượng, công khai dân chủ, đảm bảo quy trình. Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn rà soát lại chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm, vay vốn chưa đảm bảo yêu cầu làm rõ nguyên nhân để củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của tổ.

 Nhờ có nguồn vốn, nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất sang kinh doanh, làm nghề rất hiệu quả. Điển hình như mô hình Tổ liên kết may bao tay do chị Trần Thị Lích, ấp Cái Da, xã Hưng Lễ làm tổ trưởng. Chị là hộ nghèo vay vốn làm ăn thoát nghèo và giờ đây là tổ trưởng cơ sở may, giải quyết việc làm cho hơn 100 chị ở địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.

Hay như chị Hà Thị Chặm, ấp Bến Đò, xã Mỹ Thạnh làm nghề tráng bánh thủ công, nhờ vay 50 triệu đồng của NHCSXH, chị đã mua máy tráng bánh công nghiệp. Vì nhu cầu đầu ra rất lớn nên chị đã thuê trên 10 chị hỗ trợ, thu nhập rất ổn định...

“Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng tín dụng chính sách hàng năm. Tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN xã, thị trấn đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ nguồn vốn ủy thác”, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Tạ Thị Cẩm Tú thông tin thêm.

  Bài, ảnh: Diệu Hiền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN