 |
Đội ngũ xuồng chèo luôn sẵn sàng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Ảnh: H.V |
Lợi thế bốn bề sông nước của 3 dải cù lao, hệ thống sông rạch chằng chịt ở 9 huyện, thành phố, những vườn dừa rợp bóng, những làng nghề truyền thống sản xuất hoa, kiểng, cây ăn trái bốn mùa, những làng nghề sản xuất hàng thủ công - mỹ nghệ… đã tạo nên thế mạnh cho du lịch Bến Tre.
Từ dòng sông, con rạch…
Dòng Hàm Luông được nhiều người ví như Bạch Đằng giang thời đại. Vào năm 1867, anh em Phan Tôn, Phan Liêm đã từng kết bè để ngăn tàu chiến của giặc Pháp. 100 năm sau, các chiến sĩ bộ đội Đặc công thủy Bến Tre đã đánh chìm chiến hạm 833 của Hải quân Mỹ. Cũng trên dòng Hàm Luông, dòng sông Bến Tre trong thời chống Mỹ đã từng có hàng trăm ghe, xuồng vượt sông kéo về thị xã Trúc Giang (nay là thành phố Bến Tre) để đấu tranh với địch.
Người dân Bến Tre luôn xem những dòng sông, con rạch như mạch máu quê nhà. Ngày nay, trong thời kinh tế hội nhập, người Bến Tre nhanh chóng biến những dòng sông, con rạch thành nơi du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tại huyện Châu Thành, các điểm du lịch ở Tân Thạch, Quới Sơn, An Khánh, Phú Túc và Tân Phú luôn có đội ngũ xuồng chèo, đò máy túc trực ngày đêm phục vụ du khách, trong những rặng dừa nước, rặng bần. Pedro Pérez Riuera du khách người Cuba, không tiếc lời khen ngợi: “Bến Tre của các bạn đẹp quá, những rặng dừa nước in bóng trên dòng kênh, rạch. Khi đêm xuống còn có hàng ngàn con đom đóm đồng loạt phát sáng chớp tắt trong rặng bần như chốn thần tiên”.
Có thể nói, sông nước Bến Tre là tiềm năng độc đáo của du lịch đường thủy. Vào mùa khô, những ngày đẹp trời, du khách thoải mái dạo chơi trên sông nước bằng xuồng chèo trên các con rạch ở huyện Châu Thành. Cồn Phụng là điểm du lịch của Bến Tre đón khá nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước: Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Giữa sông nước bao la, cồn Phụng như giúp cân bằng lại trạng thái cho con người giữa những ngổn ngang lo toan hối hả của đời thường. Tại đây, chương trình đờn ca tài tử càng tôn lên nét văn hóa Nam bộ cải lương… Cách đó vài trăm mét về hướng Đông là cồn Qui, du khách xuống đò máy rẽ sóng, lên bờ để bỏ đi những y phục thời hiện đại mà khoác lên mình bộ áo bà ba theo kiểu của những năm 30-45 ở thế kỷ XX, tham gia tát gàu sòng, tận tay bắt cá, tôm… trong mương vườn nhãn. Những thợ nấu chuyên nghiệp tại chỗ sẽ chế biến nhiều món ăn Nam bộ. Cứ ăn, nghe hát, hít không khí trong lành… Bên đây bờ là xã Tân Thạch, với các điểm du lịch: Quê Dừa, Hảo Ái… Muốn đi xa hơn nữa, cũng bằng đường thủy, du khách theo dòng Hàm Luông đến cồn Ốc (Hưng Phong - Giồng Trôm) để đến vườn dừa khoảng 6.000m2 của anh Chín Xê, tận tay bẻ từng trái dừa cho thỏa thích, trong đó có cả dừa xiêm dứa xuất xứ từ Thái Lan. Nếu du khách muốn tìm hiểu về động vật biển có vú, thì xuống đò xuôi dòng Hàm Luông ra cửa biển, quẹo phải sang cồn Bửng (Thạnh Hải - Thạnh Phú) xem 2 bộ xương cá ông, 1 bộ dài 22m và 1 bộ dài gần 30m. Tại cồn Bửng, du khách còn được tận hưởng hương vị ngọt ngào của dưa hấu xứ biển. Cũng không xa lắm, Thạnh Phong giáp ranh Thạnh Hải, du khách cũng bằng đường thủy đến tham quan khu di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam. Nơi đây, trong những năm đánh giặc Mỹ, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã từng chỉ huy những con tàu không số ra miền Bắc chở vũ khí về Bến Tre, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Du lịch trên đường bộ
Đến Bến Tre, xin mời du khách đến vườn cây ăn trái nổi tiếng của Cái Mơn – Vĩnh Thành. Molly (du khách Mỹ) hiện là sinh viên năm thứ 3 Đại học Duke University, cho biết: “Ở Chợ Lách - Bến Tre có những vườn cây ăn trái rất tuyệt, như sầu riêng của ông Chín Hóa, chôm chôm ở Phú Phụng, măng cụt ở Long Thới, vú sữa bơ hồng ở Sơn Định… chất lượng không thua gì trái cây ở Mỹ”. Với tổng diện tích vườn dừa khoảng 40.000ha, hơn 20 giống dừa: dừa sọc, xiêm lục, xiêm xanh, dâu xanh, xiêm lửa, dâu vàng, xiêm dứa, tam quan…và trên 50 món ăn (mặn, ngọt) được chế biến từ dừa, những đặc sản nổi tiếng: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Mỏ Cày, các loại trái cây nổi tiếng đang có thương hiệu: bưởi da xanh… Bến Tre là xứ sở của du lịch dừa. Ngoài ra, Bến Tre còn có thế mạnh du lịch làng nghề: sản xuất hoa kiểng, toàn tỉnh có khoảng 8.000 hộ trồng sản xuất hoa, kiểng: kiểng thú, kiểng cổ, kiểng bonsai… đây là nét độc đáo của nhà vườn Bến Tre. Riêng hàng thủ công mỹ nghệ, đa phần được chế tác từ cây dừa: thảm xơ dừa, đũa dừa, giỏ xách bằng gáo dừa, lồng đèn bằng chà dừa… Năm 2009, tỉnh Bến Tre tổ chức thành công Lễ hội Dừa lần thứ nhất. Từ ngày 15 đến 21-1-2010, UBND tỉnh tổ chức Lễ hội Dừa lần thứ hai, để tiếp tục quảng bá hình ảnh cây dừa Bến Tre, được du khách ngoài nước rất quan tâm.
Cũng bằng đường bộ, du khách chỉ cần mất vài mươi phút xe ô-tô để đến với các điểm du lịch được xếp hạng di tích lịch sử, như: Chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày Nam), Khu căn cứ Y 4 (Mỏ Cày Bắc), Khu mộ và đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), Làng du kích Đồng Khởi (Định Thủy - Mỏ Cày Nam)…
Điều thú vị làm nên nét riêng về du lịch Bến Tre là văn hóa ẩm thực rất độc đáo, với 50 món ăn (mặn, ngọt) mang tên rất nghệ thuật, rất ngọt ngào thấm đẫm tình thương yêu quê hương Đồng Khởi: Ngọc trong lá (hến um dừa), Ngọc trai ẩn lụa (bánh tráng gói ốc đắng), Hương vị đồng bằng, Phụng hoàng lạc Cửu Long, Hương phù sa, Đội xung kích vượt bờ đê (ba khía rang dừa), chè dừa nước, lươn um dừa, gà tiềm nước dừa…
Du lịch Bến Tre ngày nay có nhiều điều hấp dẫn du khách với các lợi thế do thiên nhiên ưu đãi đậm nét văn hóa sông nước Nam bộ. Rồi đây với hiệu quả của cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông (chuẩn bị khánh thành) và cầu Cổ Chiên (dự kiến khởi công vào quí II năm 2010) Bến Tre sẽ góp sức mình vào hệ thống du lịch sinh thái khu vực.