Nhiều tuyến đường cần được nâng cấp

31/08/2016 - 07:17

Từng tốp xe ùa vào các cổng KCN Giao Long trên đường tỉnh 883 trong giờ vào ca.

Huyện Châu Thành là cửa ngõ vào trung tâm của tỉnh. Cùng với sự phát triển của xã hội, mật độ giao thông trên địa bàn ngày càng tăng. Dự báo về tình trạng quá tải là có cơ sở, do đó việc nâng cấp nhiều tuyến đường đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với huyện.

Hiện nay, một số tuyến đường của huyện Châu Thành có dấu hiệu xuống cấp nhanh, đường nhỏ hẹp trong khi mật độ và lưu lượng xe qua lại khá nhiều gây ra tình trạng ùn ứ, mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Cô Trần Thị Phương Ánh có tiệm bán kẹo dừa trên đường tỉnh 883, gần Khu Công nghiệp (KCN) Giao Long, thuộc địa bàn Ấp 3, xã Quới Sơn cho biết: “Đoạn đường này hay xảy ra ùn ứ, nhất là vào giờ công nhân đi làm hoặc tan ca. Sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ và chiều từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30, tôi không dám đi đâu vì xe cộ qua lại nhiều. Ùn ứ hay xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không nhường nhau, cứ thế chen chúc nhau mà chạy, có công an điều tiết thì giao thông đỡ hơn. Hôm nào trời mưa thì càng tệ, nước ngập lênh láng không có đường thoát, xe lớn xe nhỏ mạnh ai nấy chạy, va chạm giao thông xảy ra thường xuyên. Lại thêm xe container chạy rầm rập đêm ngày, tôi ngủ trên sàn nhà, thấy mình cũng rung rinh…”.

Được biết, đường tỉnh 883 đoạn qua KCN Giao Long đã được mở rộng, giao thông thông thoáng, tuy nhiên phía đầu trên chưa mở rộng, mặt đường còn nhỏ hẹp nên thường xảy ra ùn ứ vào những giờ cao điểm. Cứ vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Châu Thành trở thành đường… một chiều, vì xe cộ quá nhiều ở một phía. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới dự báo nhiều khó khăn cho giao thông của huyện.

“Đường xấu và hẹp, người dân phải đi chậm” - anh Đoàn Bảo Toàn, chủ tiệm sửa xe trên đường huyện 04 cho biết. Nhiều công nhân như chị Lê Thị Thu Hà sống ở TP. Bến Tre, làm việc ở Công ty Unisoll Vina, KCN Giao Long cũng phải tranh thủ đi sớm để tránh ùn tắc. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện các tuyến đường như đường tỉnh 883, đường huyện 04, đường Giao Long - Nguyễn Thị Định đang phải tải một lượng xe khá lớn từ xe container đến gần 24 ngàn công nhân của KCN Giao Long. Dự kiến tháng 9 tới, một công ty chuyên sản xuất nước ép trái cây (nằm trên đường tỉnh 883) sẽ đi vào hoạt động, thu hút thêm vài ngàn công nhân nữa. Gần đây, đội nghiệp vụ hải quan chi nhánh Long An đặt trạm trên quốc lộ 60 cũ, lượng xe container đến đăng kiểm hàng nhiều. Với mật độ như thế thì đường sá hiện nay không thể chuyển tải hết. Do đó, huyện đã trình xin ngành chức năng tỉnh đầu tư đường huyện 04, lộ Giồng Da, đường vào đền thờ liệt sĩ, đường huyện 01 để hoàn chỉnh hệ thống giao thông địa phương nối liền với các tuyến đường giao thông lớn như đường Giao Long - Nguyễn Thị Định.

Việc xin đầu tư nâng cấp các tuyến như đường huyện 04, lộ Giồng Da trên địa bàn xã Phú An Hòa là bức thiết hơn cả. Bởi hiện trạng tuyến Giồng Da chỉ là lộ liên tổ, đã được thảm nhựa chiều rộng mặt đường 2,5m; đường huyện 04 cũng đang trong tình trạng xuống cấp, mặt đường nhiều chỗ bong tróc, lồi lõm, đường hẹp và quanh co gây khó khăn cho người đi lại. Nhưng cả hai tuyến này phải tải một lượng xe máy khá lớn do công nhân đi làm và học sinh đến Trường THPT Trần Văn Ơn, Trường Mầm non Nguyễn Thế Hùng. Cảnh kẹt xe cục bộ cũng diễn ra trước cổng N2 của KCN Giao Long do các hộ buôn bán quanh khu vực chợ Lộc Sơn (xã Phú An Hòa) lấn chiếm vỉa hè, lề đường.

Ông Triệu Huy Cường - Bí thư Đảng ủy xã Phú An Hòa nói: “Tới giờ cao điểm là ùn tắc rất nhiều, cần nâng cấp mở rộng lộ Giồng Da và đường huyện 04 để đảm bảo an toàn giao thông cho công nhân và người dân đi lại. Trên đường huyện 04 còn hai chiếc cầu đang xuống cấp nặng, nền mặt cầu bong tróc, mố cầu lún dù đã được duy tu nhiều lần.

Qua trao đổi, ông Huỳnh Kim Danh - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết: “Toàn KCN hiện mở các cổng N2, D1, D3 và D6 (cổng này vừa mở cách đây vài tháng để giảm ùn tắc và thuận tiện cho công nhân ra phía đường Giao Long - Nguyễn Thị Định). Để giải quyết ùn tắc, chúng tôi khuyến khích các công ty chia giờ tan ca cách nhau 30 phút. Đến cuối năm nay có khoảng 5 - 7 nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động với vài ngàn công nhân mới vào làm việc. Theo tôi, toàn bộ mặt sau KCN Giao Long nên làm đường và mở một cổng mới nối với đường Giao Long - Nguyễn Thị Định để đảm bảo lưu thông cho lượng công nhân ngày càng gia tăng.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN