Phân loại và xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN
Các kết quả đạt được
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình, Bộ đã quy hoạch quản lý chất thải rắn tại 3 lưu vực sông; vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030. Tính đến tháng 12-2018, đã có 59 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn. Có gần 100% số xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều xác định vị trí điểm trung chuyển và tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ. Vào thời điểm nêu trên, có 50 địa phương gửi báo cáo đề xuất các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn hoặc bãi chôn lấp giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2015-2020, với tổng cộng hơn 230 dự án, trong đó có 143 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn có tổng vốn nhu cầu đầu tư khoảng 21.600 tỷ đồng.
Bên cạnh việc xây dựng các danh mục các dự án dự kiến vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhiều địa phương đã chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án. Đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 50 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung được đưa vào sử dụng, nâng tổng công suất theo thiết kế khoảng 8.500 tấn/ngày. Nhiều thị trấn, xã ở khu vực nông thôn đầu tư lò đốt chất thải rắn quy mô nhỏ như ở tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu…Hiện nhiều địa phương cũng đã chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý với công nghệ hiện đại, đồng bộ (đốt phát điện) như Cần Thơ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Hậu Giang, Bắc Giang…
Bộ Xây dựng đã tổng hợp về cơ bản các bãi chôn lấp rác thải tại các đô thị với khoảng 660 bãi, tổng diện tích 4.900 ha. Trong đó có 200 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tỷ lệ bãi chôn lấp có diện tích trên 20 ha khoảng 5,7%, số lượng bãi có diện tích nhỏ hơn 20 ha và lớn hơn 1 ha chiếm 59,3%, còn lại là các bãi có diện tích dưới 1 ha chiếm 35%. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (Jica, Koica, WB, Phần Lan…) tổ chức hội thảo giới thiệu các công nghệ xử lý chất thải rắn trong và ngoài nước; tổ chức đánh giá hiệu quả của một số công nghệ đang được áp dụng trong nước; phối hợp với các nhà đầu tư Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc…nghiên cứu, xem xét áp dụng công nghệ đốt rác tận thu nhiệt để phát điện tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ…
Ngoài việc ban hành Quyết định 322 và Quyết định 1354 công bố suất đầu tư và chi phí xử lý chất thải rắn, làm cơ sở cho các nhà đầu tư và địa phương tham khảo thực hiện, Bộ Xây dựng còn ban hành Thông tư số 07/2017 hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thông tư số 14/2017 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị; Công bố hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…
Về thực hiện các dự án thí điểm: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính mô hình quản lý đầu tư, vận hành phù hợp cho 1 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 1 dự án ở nông thôn, để thực hiện thí điểm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất lựa chọn thí điểm Dự án Nhà máy xử lý rác thải Tây Ninh, Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hải Phòng.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2010, mặc dù tỷ lệ các tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn đạt gần 90%. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Xây dựng cho rằng, nguồn lực cho việc đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch còn thiếu và chưa tập trung. Nhiều địa điểm cơ sở xử lý hoặc bãi chôn lấp trong quy hoạch chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân, dẫn đến triển khai thực hiện gặp vướng mắc; nhiều bãi chôn lấp quá tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường.
Kinh phí lập dự án đầu tư còn thiếu, chưa rõ trách nhiệm tổ chức lập dự án đầu tư. Hiện các dự án đầu tư chủ yếu do các doanh nghiệp tổ chức lập và đề xuất, dựa trên quy hoạch và nhu cầu của địa phương, nên nhiều địa phương tuy đã phê duyệt quy hoạch nhưng vẫn chưa lập dự án đầu tư để kêu gọi đầu tư, cũng như huy động nguồn lực thực hiện. Đồng thời, kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương. Trong khi đó, mức thu phí vệ sinh hiện rất thấp, chỉ bù đắp được một phần kinh phí thu gom, vận chuyển.
Đặc biệt, công nghệ xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập. Cụ thể, công nghệ phát điện và đồng xử lý chất thải rắn trong nhà máy xi măng đang được nhiều tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu hỗ trợ áp dụng, nhưng các vấn đề phát sinh như ô nhiễm, hoạt động ổn định của công nghệ…chưa được kiểm nghiệm. Các công nghệ sản xuất phân compost còn khó khăn do chưa phân loại rác tại nguồn, khả năng tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào đặc điểm vùng miền.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình này trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất phải nghiên cứu mô hình đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng, nhằm xử lý tập trung, đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và tiết kiệm đất, đồng thời giải quyết được vấn đề môi trường. Triển khai đầu tư thí điểm cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng ở một số địa phương, sau đó tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng.
Bên cạnh đó, cần phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn, giải quyết đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nhất là sớm hoàn thành quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn, làm cơ sở cho các địa phương và nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn kết hợp phát điện theo quy định. Đồng thời tập trung đầu tư nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ trong nước đang sở hữu, đặc biệt là công nghệ xử lý đốt chất thải rắn có thu hồi và sử dụng nhiệt; hạn chế đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp mới.
Nguồn: TTXVN