Trong cuộc đời tham gia kháng chiến, anh Hai Thủy đã để lại trong tôi những ký ức, kỷ niệm đẹp không bao giờ phai. Nhân kỷ niệm 52 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi, tôi xin ghi lại đôi dòng để tưởng nhớ anh!
Tôi được kết nạp vào Đảng tháng 12-1953, tại giồng Cây Dong, xã Thừa Đức (Bình Đại). Hai người giới thiệu và chịu trách nhiệm là anh Hai Thủy và anh Tư Trực. Anh Hai Thủy được Tỉnh ủy vừa bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Sóc Sãi (Châu Thành ngày nay) và anh Tư Trực là Chánh Văn phòng Huyện ủy.
Sau lễ kết nạp vào buổi tối, trong mái chòi lá ẩn dưới hàng cây nằm um tùm của rừng Bình Đại, anh Hai Thủy đến gặp tôi, trước nhất, anh nói:
- Năm năm trời không gặp chú và anh em mình ở Sóc Sãi, hôm nay gặp lại tôi vui quá, tôi tưởng chừng chú không còn, vì chiến trường Sóc Sãi quá khốc liệt. Có ai hình dung được chỉ có một năm mà huyện mình hy sinh 65 cán bộ chiến sĩ, mất hết 8 cấp ủy xã, trong 11 xã. Bây giờ, kiểm tra lại chỉ còn vỏn vẹn 29 đồng chí, tôi rất đau lòng và càng thấy trách nhiệm của mình nặng hơn, giống như một cụ già 70 tuổi, gánh 2 gánh đá đi lên dốc núi lúc 12 giờ trưa… Thôi cho qua! Bây giờ tôi tâm sự với chú: “Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi biết “ông già” (cha - NV) của chú bị Tây giết, vì ông đã tham gia tổ chức cách mạng và tất cả 8 người anh, chị, em của chú đã thề trước quan tài người cha là: “phải trả thù nhà, đền nợ nước”. Tôi biết chú ra đi lúc mới 13 tuổi và chiến đấu tại chiến trường ác liệt này… Đây là một hành trang tốt nhất cho chú bắt đầu cuộc chiến đấu.
Anh hỏi:
- Phải năm nay chú 18 tuổi không?
- Dạ phải! - Tôi đáp.
- Nè, bắt đầu từ giờ này, chú không phải là một chú nhóc làm liên lạc viên cho Văn phòng Huyện Đội như trước, càng không phải là chú Nhậm ngây ngô, lém lỉnh đời thường. Tên Nhậm là tên mẹ đẻ, mà tên “Minh Quốc” là Đảng đặt bí danh cho chú đó! “Minh” là trong sáng, “Quốc” là Tổ quốc, tức là lòng dạ chú luôn trong sáng với Tổ quốc. Đây là một đỉnh cao bắt đầu tuổi vào đời của chú. Phải trong sáng với lời thề trước quan tài của cha là: “Trả thù nhà, đền nợ nước”; phải trong sáng với lời thề khi vào Đảng, câu mà chú đã tự thề trong lễ kết nạp Đảng “Tôi đi theo Đảng để chiến đấu, tôi xin thề đã đi trên con đường binh đao, gươm súng, nếu tôi phản Đảng, tôi phải chết vì binh súng, gươm đao”.
Anh tỏ ra hết sức xúc động và dành cho tôi một tình cảm đặc biệt, khi tôi thốt lên câu thề đó. Anh nói rất tự hào khi đã chịu trách nhiệm giới thiệu tôi vào Đảng, ở giai đoạn cách mạng khó khăn này…
Anh nói tiếp:
- Tôi sẽ trao đổi thêm với chú ở một thời gian khác. Bây giờ, để kết thúc buổi tâm sự ngắn hôm nay, tôi giao một “Bửu Pháp” cho chú, khi chú là một đồng chí chiến đấu trong đội ngũ cùng tôi.
Anh nói chậm và rất nghiêm:
- “Trước uy vũ không khuất phục, trước tiền tài không màng, trước sắc đẹp không bị cám dỗ, trước gian khổ không lung lay”. Chú phải xem đây như “Kinh nhựt tụng”, luôn mang hai bên vai, nó như “Tứ đại điều quí” trong Đảng mà chú hãy khắc cốt ghi xương…
Sau đó, anh thân thiết ôm đầu tôi vào ngực như một người em ruột thịt … Rồi anh lặng lẽ ra đi giữa đêm khuya, trong cánh rừng vắng lặng, âm u…
* * *
Tháng 6-1954, tôi chính thức làm Bí thư xã Tiên Thủy - quận Sóc Sãi. Anh Hai Thủy tiếp tục làm Bí thư Huyện ủy. Tại một cuộc họp trong khu vườn dừa tại xã Tường Đa (Châu Thành), anh mời hết cán bộ chủ chốt của các xã và cán bộ Huyện ủy về dự. Anh đặt ra một số vấn đề bức xúc và phát động tư tưởng, để vực dậy tình hình trong huyện đang trong giai đoạn thoái trào.
Sau khi đánh giá sâu sắc tình hình ta - địch, anh nhấn mạnh:
- Trên 70 ngàn dân trong huyện coi ta như vị cứu tinh. Hàng giờ, hàng ngày, nhân dân đang mong chờ ta lãnh đạo họ đứng lên đánh tan bọn ác thú đang cắn xé họ. Hãy trả thù bằng được cho đồng chí Lấn, đồng chí Sáu Diễn, đồng chí Bộ và hàng trăm đồng chí, đồng bào đang bị tra trấn nhục hình ở nhà lao… Các đồng chí có nhứt trí không?
Anh nói mà mắt đỏ lưng tròng. Tất cả mấy chục đồng chí dự họp đều nắm tay giơ lên, biểu hiện sự nhất trí rất cao…
Đồng chí Tư Lấn là Bí thư xã An Hiệp, bị địch khui hầm bí mật trong đống vỏ dừa, bao vây kêu anh đầu hàng suốt cả buổi. Anh không đầu hàng. Bọn chúng lao vào bươi đống vỏ dừa để bắt sống anh. Anh đã bình tĩnh dùng dao con tự rạch bụng mình, dồn tài liệu mật vào và cắt một khúc ruột chọi vào mặt chúng. Chúng điên cuồng xả đạn vào anh… Anh hy sinh!
Anh Hai Bộ là Xã Đội trưởng xã Phú Túc. Giặc đã phát hiện anh trên đọt dừa, chúng bao vây kêu hàng. Anh không đầu hàng mà dùng 4 quả lựu đạn chọi xuống, giặc tập trung súng nhắm vào ngọn dừa nã đạn và anh hy sinh.
Anh Sáu Diễn là Huyện ủy viên bị giặc bắt và bị khảo tra, cực hình. Anh không khai. Chúng đem anh mổ bụng ban đêm, tại cầu tàu chợ Tiên Thủy rồi quăng xác xuống sông… Mãi đến bây giờ mà người thân chưa tìm được xương cốt.
Anh Hai Thủy xúc động nói tiếp:
- Bây giờ, tôi giao cho đồng chí Biện - Bí thư xã An Hiệp phải trả bằng được mối thù cho đồng chí Lấn; đồng chí Minh Quốc (là tôi) phải trả bằng được mối thù cho đồng chí Diễn; đồng chí Nhạn phải trả bằng được mối thù cho đồng chí Bộ.
Riêng tôi, anh còn giao phải tạo quy luật, tổ chức trinh sát mật, diệt cho bằng được tên Trung úy Ban II - phụ tá tên cai Tổng Bảo Đức (quận Sóc Sãi). Thứ hai là phải dồn sức, tạo thực lực bên trong, bên ngoài, diệt cho được đồn Kinh Ông Cha (khu vực chợ An Hiệp bây giờ), vì nó là chốt chặn, gây cản trở rất lớn đường huyết mạch của ta… Buổi họp kết thúc trong tinh thần phẫn nộ căm thù xen lẫn niềm tin. Lòng tôi cảm thấy vững bước trên đường chiến đấu, vì có đươc đồng chí Bí thư Huyện ủy chỉ đạo cụ thể, sát sao.
Chỉ 5 tháng sau đó, hưởng ứng chiến dịch Đông Xuân - Điện Biên Phủ, quận Sóc Sãi bùng lên phong trào diệt ác ôn, bao vây, triệt đồn hạ bót, giải phóng ấp - liên ấp, xã - liên xã. Nghị quyết mà anh Hai Thủy giao trực tiếp cho 3 đồng chí Bí thư các xã: An Hiệp, Tiên Thủy, Phú Túc đều được thực hiện và hoàn thành xuất sắc. Đồng chí Biện diệt được tên Cai Tổng Nguyên - Tổng Bảo Ngãi và tên Cả Lén - Tề An Hiệp; đồng chí Minh Quốc diệt được tên Trung úy Ban II - Tiểu khu Bến Tre - phụ tá tên Cai Tổng Túc và triệt hạ đồn Kinh Ông Cha, thu 16 súng, 10 ngàn viên đạn, tiêu diệt 12 tên giặc. Các xã: Phú Túc, Phú Đức, Quới Thành phá rã 7 Ban Tề ấp, diệt 6 tên thám báo ác ôn…
Tin vui dồn dập bay về với anh Hai. Tỉnh đội Bến Tre đã biểu dương thành tích hưởng ứng chiến dịch Đông Xuân - Điện Biên Phủ của quận Sóc Sãi lúc bấy giờ. Từ đó, quận Sóc Sãi có sức bật, vươn lên lập thành tích diệt địch, xây dựng cơ sở chính trị, chuyển phong trào đến Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20-7-1954).
Vào một đêm cuối tháng 7-1954, có lẽ anh Hai Thủy biết mình sẽ rời địa bàn Sóc Sãi, nên đã hỏa tốc mời tôi đến gặp tại nhà bà Mười Lớn (xã Tường Đa) để ân cần dặn dò và động viên tôi phải kiên định lập trường, phấn đấu vượt qua gian khổ, làm tốt nhiệm vụ. Sau đó, tôi được biết anh được điều về tỉnh công tác.
Cuối năm 1956, Tỉnh ủy điều tôi về Ban Binh vận tỉnh với nhiệm vụ là Chánh Văn phòng. Anh Hai Thủy là Trưởng Ban. Khi tôi về Ban, anh Hai Thủy tiếp tôi tại nhà chị Hai Bình ở Xẻo Củi - xã Lương Hòa (Giồng Trôm). Anh sống trên chiếc ghe câu với chú bảo vệ, không cố định ở chỗ nào. Mỗi khi ai cần gặp anh thì hẹn trước, bàn công việc xong là đi ngay để đảm bảo nguyên tắc bí mật.
Trước nhất, anh Hai hỏi.
- Năm nay, chú bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 20 tuổi.
- Tuổi 20 bồng bột dữ phải không? Có vợ hay bồ bịch gì chưa?
- Lâu gặp, anh em mình còn sống là vui, sao anh cứ hỏi chuyện vợ con bồ bịch. Sống bí mật như vầy, mà vợ con, bồ bịch gì? - Tôi đáp.
Anh nói: “Thôi cho qua!”. Và anh đả thông công việc Chánh văn phòng. Anh nói khó khăn, thuận lợi, nhất là phải sống bí mật, hoạt động bí mật và nhiệm vụ của ngành binh vận rất mới mẻ, vừa mới thành lập. Xong, anh giao ngay cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc họp của Ban. Cụ thể là phải đào 6 hầm bí mật, chuẩn bị một số vật chất, bố trí đón các đồng chí trong Ban về, bố trí bảo vệ, tổ chức đường dây giao liên công khai... Trong thời hạn 7 ngày phải xong nhiệm vụ.
Tôi tiếp nhận, nhưng trong bụng thấy buồn buồn, thầm nghĩ: “Ông nội này tính thử thách mình buổi ban sơ hay sao? Giao cả đống việc mà chẳng làm công tác tư tưởng gì, chẳng có lời động viên gì hết… Thôi cứ làm, gắn chặt với lực lượng mật ở xã để làm. Trước hết lo đóng nắp hầm bí mật, lo bố trí số nòng cốt bí mật. Riêng đào 6 cái hầm, tự mình phải đào, chớ đâu kêu ai được, vì đây là nguyên tắc bí mật!”.
Đến ngày thứ 6, anh Hai đến kiểm tra các việc đã giao. Anh tỏ vẻ rất mừng và nói:
- Tôi vui lắm và tin chú, chú làm rất đúng ý tôi. Nè, nói vậy chớ đừng thỏa mãn, tự tôn. Tư tưởng tiểu tư sản thường mắc bệnh thỏa mãn, tự tôn, mà chú có thành phần gốc là tiểu tư sản đó!
Tôi hơi tự ái và cằn nhằn:
- Anh đa nghi tôi sao? Tôi mới ban sơ về, anh giao cho tôi một khối việc hóc búa, anh thử tôi chớ gì? Nếu anh không tin, thì trả tôi về huyện nhà!
- Đó, chưa chi mà đã tự ái rồi, rõ là tư tưởng tiểu tư sản bộc lộ ra rồi!
- Anh lại cứ lôi cái “tiểu tư sản” ra mà “đì” tôi. Lúc anh làm Bí thư quận Sóc Sãi, tôi làm Bí thư xã Tiên Thủy, anh cũng cứ dùng cái “tiểu tư sản” ra “đì” tôi suốt… Có lần tôi chảy nước mắt, trong cuộc họp Ban Cán sự liên xã có ông Năm Tiên, anh Hai Bá, ông Tám Cứng, anh Bảy Quản, anh cũng qui “tiểu tư sản” ra để phê bình tôi. Tôi còn nhớ mãi, anh nói: “Tư tưởng tiểu tư sản là tư tưởng “cột đáy”, nước đứng thì êm, nước chảy thì run”.
Anh em nói qua nói lại, rồi thôi cho qua và tôi cứ tiến hành công việc… Kết thúc cuộc họp đầu tiên của Ban Binh vận tỉnh được an toàn. Về phần việc mà anh đã giao cho tôi lúc đó, tôi cũng bực lắm và nghĩ rằng: “Ảnh tin mình nhưng cứ chụp mũ này, mũ nọ lên mình… Nhưng thôi, cũng vì việc chung, coi như ảnh rèn mình!”. Suy nghĩ vậy rồi tôi bỏ qua, cứ lầm lũi mà làm.