Nhớ Lê Hà - tình người, tình thơ…

07/01/2011 - 08:10

Khi những ngày Tết càng lúc càng đến gần thì nỗi nhớ ông - nhà thơ Lê Hà - lại càng trở nên da diết, trong tôi… Nỗi nhớ thỉnh thoảng lóe lên, tan đi, tưởng mất hẳn… nhưng không, lại lóe lên, dai dẳng hơn, gấp gáp hơn…

vì những lý do không đâu: bất chợt gặp một khóm hoa bên đường, bắt được một làn gió chướng mát rượi, tiếng dừa reo xạc xào trong gió, vời vợi, mênh mang…
Hằng năm, tôi luôn cố gắng thu xếp công việc cơ quan để đến thăm gia đình ông trước Tết. Đây là thông lệ của cơ quan: tặng quà và thư chúc Tết cho các hội viên cao tuổi, gọi là… Và tôi luôn nhận lãnh trách nhiệm mang quà đến gia đình ông.
Mấy năm trước đó, khi tham gia tập hợp thơ để in Tuyển tập thơ Hương Sen của ông, tôi chợt nhận ra một phong thái thơ, một phong thái sống “rất Lê Hà” - mộc mạc, hồn nhiên, giản dị như một loài cây khỏe khoắn, không cần uốn tỉa, không sợ nắng mưa, cứ tự nhiên mà lớn lên, tỏa bóng, ra hoa, kết quả…
Từng vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tập, công tác, lại vượt Trường Sơn trở về chiến đấu trên đất rừng Tây Ninh, trước khi trở lại chiến trường Mỹ Tho - Bến Tre; từng phụ trách chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam; từng có thơ in hầu khắp các báo, tạp chí thuở ấy; được các nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng thể hiện những bài thơ đầy hào khí của ông… thế nhưng, ông vẫn chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (!?). Tôi vỡ lẽ, với ông, hội viên hay không hội viên, cũng thế. Cái chính là ông vẫn viết, viết theo tiếng gọi của trái tim mình, tha thiết, đam mê… Đọc qua loa thơ ông, dễ nghĩ ông là người dễ dãi trong lao động nghệ thuật, nhưng sự thật không phải vậy. Có thể nói ông trăn trở trên từng từ một. Tôi nhớ có lần giao bản thảo cho tôi xong (tại văn phòng Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu), ông đạp xe (thời đó đi xe đạp là “ngon” rồi) ra về - quê Phú An Hòa cách thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre) gần 10km. Vậy mà sáng hôm sau đã thấy ông vội vã đạp xe trở qua cốt chỉ để sửa lại một từ trong bài thơ. Khi sửa xong bản thảo, trông ông thật vui, thật hạnh phúc…
Trong thời kỳ công tác tại Nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang, ông đã góp phần nâng đỡ nhiều cây bút mới và thường xuyên động viên khích lệ họ sáng tạo. Dù rằng, thời ấy in sách chủ yếu là để kinh doanh, song ông vẫn có cách, có kiểu tính toán riêng của ông, để có thể in những tác phẩm văn học thực thụ - là loại sách có thể nói rất khó phát hành rộng …
Ông sống ân tình, thủy chung - một tình cảm bộc trực, tự nhiên như đời sống vậy. Bao giờ từ Hội đạp xe về, ngang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, ông cũng ghé lại, thắp hương, trò chuyện với người quản trang như với người nhà và lật sổ tay ghi vội những dòng thơ vừa chợt hiện… Đôi lúc ông ngã lưng làm một giấc trưa, như ông nói là “ngủ cùng đồng đội”…
Với chúng tôi, có một kỷ niệm về ông thật thú vị: khi đến thăm ông, nếu vào buổi sáng, ông luôn mời chúng tôi ra “quán vườn” lai rai tí chút. Tôi nhận thấy ông luôn mang theo một chiếc gà-mên nhôm, để khi về thì mua cho “bà nhà” một món gì đó… Và hầu như đó là thói quen, thỉnh thoảng ông lại tự đi mua hủ tíu sáng cho bà - kể cả sau này khi mắt nhà thơ mờ dần (ông mổ cườm mắt hai lần song không thể cứu vãn được đôi mắt vì tuổi già). Ái ngại, chúng tôi có hỏi thì bà phân bua rằng bà cản hoài mà không được! Đó là ý ông muốn vậy! Và tôi hiểu, ấy là tấm lòng của nhà thơ đối với vợ, đối với gia đình, như để bù đắp lại những thiệt thòi của những năm chiến tranh xa cách…
Đó cũng là tấm lòng của nhà thơ Lê Hà đối với Thơ. Và chỉ Thơ thôi…
Thơ ông mộc mạc, chân tình - mộc mạc đến thô ráp. Tôi biết có nhiều người làm thơ không thích “cái sự” mộc mạc, thô ráp này. Mà phải đâu ông không quyết liệt sửa chữa thơ mình. Song, ông sửa chữa thơ không phải để “làm đẹp, làm sang, kiểu cách”. Chấp nhận thô, mộc. Mục đích của ông là làm sao để thơ nói lên chính xác ý mình và thiết yếu hơn, để người đọc “nắm” ngay ý thơ ông muốn giãi bày, không phải nhăn trán nhíu mày tìm kiếm tầng này nghĩa nọ mà ông cho là vô bổ…
Lại một mùa xuân nữa trở về… Và hình bóng nhà thơ Lê Hà, ánh mắt, tiếng cười, giọng nói ấm áp, nhỏ nhẹ của ông… lại từng lúc đánh thức ký ức tôi! Thì biết là ông đã đi, đi xa lắm, vậy mà trong lòng tôi vẫn cứ trỗi dậy, trỗi dậy một cách dai dẳng, gấp gáp cái cảm giác hình như ông còn đang đi thăm ai đó ở đâu gần đây thôi, sắp về…

Kim Ba

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN