Nhu cầu tăng, giá nhảy
vọt
Hiện nay, toàn tỉnh có 7 mỏ cát đủ điều kiện khai thác.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 4 mỏ cát đang hoạt động nằm rải rác ở các đoạn
thuộc sông Cổ Chiên và Cửa Đại. Tổng diện tích khai thác cát tại các mỏ trên
305ha, trữ lượng trên 7.759m3. “Trữ lượng khai thác cát hiện nay không đáp ứng
nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Với nhu cầu xây dựng công trình
giao thông nông thôn phục vụ nông thôn mới thì càng không đáp ứng được”, bà Huỳnh
Yến Vân - Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên
và Môi trường nhận định.
Xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm được xem là điểm nóng
về sự khan hiếm cát san lấp. Gần 2 tháng nay, nhà vườn nào có nhu cầu san lấp
ao, mương đều phải chờ ghe. Có chủ ghe hẹn 10 ngày, rồi 20 ngày nhưng bặt vô âm
tính. Ông Nguyễn Quang Vinh ở Ấp 4 cho hay: “Chưa bao giờ việc bơm cát san lấp
lại khó khăn như hiện nay. Trước kia chỉ cần gọi điện thoại ngày trước thì ngày
sau có. Nay, muốn bơm lấp mương vườn kêu ghe trần thân! Các chủ ghe hứa nhưng tới
ngày không bơm được vì lý do chưa có cát”.
Ông Nguyễn Văn Chờ - Chủ tịch UBND xã cho biết, nhu cầu sử
dụng cát của người dân địa phương là rất lớn. Bên cạnh đó, xã còn một số ít
công trình giao thông rất cần nguồn cát để san lấp mặt bằng, nền hạ. Hiện nay,
do mỏ cát nằm trên địa bàn xã đã đóng cửa nên nguồn cát, đặc biệt cát san lấp
khan hiếm làm giá cả tăng gấp đôi ngày thường.
Anh Nguyễn Tấn Cường - chủ cơ sở vật liệu xây dựng Cường
Thịnh ở Ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông cho hay: “Hiện tại giá cát lấp dao động từ 80
- 100 ngàn đồng/m3, tăng 30 - 50 ngàn đồng/m3. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng giá cả
một số mặt hàng khác phục vụ cho xây dựng, đặc biệt cát vàng, nhiều khách hàng
chuẩn bị xây nhà đến tham khảo giá đều ngao ngán”.
Chia sẻ về điều này, chị Trần Thị Thủy Tiên - nhân viên
doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Trung ở Phường 8, TP. Bến Tre lo lắng, nhiều
công trình nhà ở của người dân đã đặt cọc trước nên phải giữ giá cho khách
hàng. Nhưng tính theo giá thời điểm thì đối với nhiều hóa đơn, việc bù lỗ đã thấy
trước mắt.
Tăng cường quản lý,
điều tiết khai thác
Theo nhận định của nhiều người dân, việc khan hiếm nguồn
cát là do sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng nên tình trạng khai thác
cát trái phép giảm đi. Từ đó, nguồn cát cung cấp cho thị trường cũng giảm theo.
Chính sự khan hiếm nguồn cát gây biến động giá cả và làm chi phí xây dựng tăng
cao.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn cát làm nguyên
vật liệu xây dựng, UBND tỉnh đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cát.
Tuy nhiên, theo góc độ chuyên môn, bà Huỳnh Yến Vân cho rằng, đây là một bài
toán khó. Bởi vật liệu thay thế chỉ có thể đá mi. Loại đá này tập trung ở các tỉnh
miền Đông. Việc vận chuyển sẽ tốn kém và khả năng sụp lún khi san lấp có thể xảy
ra.
Theo bà Huỳnh Yến Vân, để có nguồn cát phục vụ nhu cầu
xây dựng, ngoài việc khai thác phải đảm bảo thì cần tăng cường quản lý; đồng thời
điều tiết mức độ khai thác tại các mỏ có đủ điều kiện để đảm bảo nguồn cát cung
cấp cho thị trường. Bà Vân cũng thông tin, ngành đang định hình, rà soát, điều
chỉnh quy hoạch một số mỏ dự trữ trên nhánh sông Ba Lai. Hiện tại, sở đã trao đổi,
lấy ý kiến của huyện và người dân địa phương. Nếu địa phương đồng thuận, ngành
sẽ trình HĐND, UBND tỉnh để xin đưa vào khai thác. Bà Vân lưu ý, việc khai thác
phải nằm trong sự quản lý, điều tiết mới có thể giảm áp lực các mỏ đang hoạt động
và kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình xây dựng của địa phương.