Nỗi lòng ray rứt
Người dốc lòng lo xây cầu, làm đường cho nông thôn đó là ông Trịnh Văn Y, thường gọi là Mai Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.
Ông được về hưu năm 2001, rảnh việc nước, ông về thăm bà con, đồng đội, chiến trường xưa… ở những làng quê nông thôn, ông cảm nhận bà con mình còn nhiều thiệt thòi quá. Đường giao thông ở nông thôn lúc bấy giờ phần lớn là đường đất; cầu qua sông, rạch là cầu khỉ, dùng cây gỗ tạm bợ để làm cầu. Những nơi sông rạch lớn cách trở, người dân qua lại bằng chiếc ghe nhỏ mong manh. Năm nào cũng có người té cầu, chìm đò chết…
Ông thấy mình còn nợ dân rất lớn. Làng quê xa xôi hẻo lánh là nơi đã từng bảo bọc ông và căn cứ cách mạng. 15 năm kháng chiến, nhiều lần ông suýt chết, nếu không có sự chở che của người dân nơi đây thì tính mạng ông có thể không còn. Sau giải phóng miền Nam, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Lúc đương nhiệm, ông hiểu rằng đồng lương mình nhận hàng tháng là của dân, từ đó ông cảm thấy chưa hài lòng trong đền đáp công sức mà người dân dành cho ông và cách mạng. Càng thâm nhập nơi vùng sâu, ông càng hiểu đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn bởi chiến tranh tàn phá nặng nề, đường giao thông cách trở với nhiều sông, rạch. Trẻ em đi học phải qua cầu khỉ, đò ngang. Người lớn lúc bệnh nặng phải khiêng võng ra lộ lớn. Hàng nông sản ở các làng quê khi mang ra chợ bán, hết sức vất vả khó khăn... Nhưng việc làm cầu đường ở nông thôn, chờ kinh phí Nhà nước còn dài, không biết đến bao giờ người dân quê mới hết cảnh cầu khỉ, đò ngang. Nay, ông thấy mình về hưu rồi, còn sức khỏe, phải tiếp tục làm việc giúp dân. Việc xây dựng cầu đường cho nông thôn là bức xúc. Vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí làm cầu, đường là thiết thực nhất. Xây cầu, đường ở nông thôn không chỉ an toàn đi lại mà còn là “cần câu” phát triển kinh tế, làm cho nông thôn đổi mới…
Mang ý tưởng vận động nguồn vốn cộng đồng làm cầu, đường cho nông thôn, ông đề nghị lãnh đạo tỉnh thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường (KHKT cầu đường). Đề nghị của ông được tỉnh đồng ý ngay và Hội chính thức được thành lập vào năm 2001, là Hội KHKT cầu đường đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Hội không đơn thuần về nghề nghiệp mà mang tính xã hội rộng rãi. Hội vận động phát triển hội viên, không chỉ là những kỹ sư cầu đường, cơ khí, xây dựng, thủy lợi mà còn là những người nhiệt tình với việc xây cầu, làm đường giao thông nông thôn. Những hội viên không chuyên về kỹ thuật có nhiều thành phần, người là chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, là nông dân bình thường… họ tích cực vận động vốn xây cầu, làm đường và còn biết nơi nào bức xúc nhất cần làm trước. Những hội viên chuyên về kỹ thuật. 15 hội viên chuyên về kỹ thuật được “biên chế” vào Trung tâm tư vấn kỹ thuật cầu đường của Hội, trong đó 8 kỹ sư cầu đường. Hoạt động của Hội không phải xin kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Hồ sơ thiết kế xây dựng cầu, đường, trung tâm làm cũng làm miễn phí. Nhận thấy việc xây cầu, làm đường giao thông nông thôn của Hội là thiết thực, ngày càng có nhiều người tự nguyện vào Hội. Họ là nhà từ thiện, cán bộ công chức, cán bộ khoa học kỹ thuật. Từ 200 hội viên ban đầu, nay đã có 320 hội viên.
Cuộc hội ngộ của những tấm lòng
Ở các địa phương cần làm cầu, đường thì cuộc sống người dân quá nghèo không có khả năng đóng góp nhiều. Ông Mai Sơn đưa ra chương trình vận động các tổ chức kinh tế xã hội, từ thiện trong tỉnh, ngoài tỉnh và chính ông lặn lội hàng trăm cây số tìm đến các nhà từ thiện vận động kinh phí xây cầu, làm đường giúp người dân vùng sâu, vùng xa có cuộc sống tốt hơn. Mục đích tốt đẹp ấy được các cá nhân, tổ chức kinh tế, Hội Phật giáo… nhiệt tình ủng hộ. Vận động được kinh phí cho công trình nào, ông giao hết cho Ban quản lý công trình đó; đối với công trình có vốn trên 100 triệu đồng, ông giao cho huyện quản lý; công trình dưới 100 triệu đồng giao cho xã quản lý. Phần Hội, ông cử cán bộ kỹ thuật kết hợp cán bộ huyện giám sát thi công và sử dụng kinh phí (kiểm tra mua vật liệu xây dựng, kỹ thuật thi công và nghiệm thu công trình). Thường công trình cần 100 triệu, ông vận động 70 triệu từ các nhà tài trợ, số còn lại vận động người dân nơi địa phương có công trình đóng góp để người dân ở đây cùng có trách nhiệm. Sau mỗi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, được Báo Đồng Khởi ủng hộ, ông làm luôn vai trò “nhà báo” chụp ảnh, viết tin và thư cảm ơn kèm danh sách các nhà từ thiện đã đóng góp cho công trình đăng trên báo tỉnh. Sử dụng vốn hiệu quả và ý nghĩa nên việc vận động kinh phí tài trợ xây dựng cầu đường nông thôn cho tỉnh ngày càng thuận lợi.
Tuy vậy, nhu cầu vốn để xây dựng trên 1.500 cầu bê- tông cho các vùng nông thôn là rất lớn. Ông nghĩ đến việc vận động cá nhân, tổ chức từ thiện nước ngoài. Nghe tin ông Toni Ruttimann người Thụy Sĩ, là người có trái tim nhân ái, không phân biệt quốc gia, đã làm cầu cáp treo cho nhiều nước, và đang làm cầu cáp treo giúp người dân ở tỉnh Đồng Tháp, ông cùng đoàn cán bộ của Hội tìm đến, vận động ông Toni về giúp Bến Tre. Ông Mai Sơn kể: Toni là người không quản gì vất vả. Đến Bến Tre khảo sát 150 điểm cần xây cầu, có nơi xe ô tô không vào được, phải đi xe hon da ôm. Hôm đó, trời mưa trơn trợt, chiếc xe chở Toni bị tai nạn, khiến ông Toni bị thương, mọi người phải dìu Toni ra đường lớn, đưa vào bệnh viện. Nhiều lúc thi công cầu đã hơn 12 giờ trưa, nhưng việc còn dở dang, Toni chưa chịu nghỉ ăn cơm. Ông Mai Sơn đành chờ Toni làm xong để cùng ăn. Hai tấm lòng từ thiện gặp nhau đã giúp Bến Tre có được 48 cây cầu cáp treo do ông Toni Ruttimann xây tặng. 48 cầu cáp treo nầy đã xóa 47 bến đò ngang, đem lại niềm vui vô hạn cho người dân nơi đây.
Việc xây cầu từ thiện cho nông thôn do ông Mai Sơn khởi xướng ngày càng được nhiều tổ chức nước ngoài biết đến và tài trợ. Đó là vào năm 2005-2006, thông qua bà Trần Thị Kim Hoàng, cư dân TP.HCM, ông vận động được Quỹ W.P.Schmitz Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) tài trợ xây dựng 20 cây cầu có tổng chiều dài: 381m. Kinh phí tài trợ: 484 triệu đổng. Kinh phí xây cầu của Quỹ W.P.Schimitz được ông sử dụng đúng mục đích và hoàn thành 20 cây cầu. Thành công nầy đã giúp Hội KHKT cầu đường Bến Tre được Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển và Quỹ W.P.Schmitz CHLB Đức tiếp tục tài trợ cho dự án VIE 115/5/12 giúp Bến Tre xây dựng thêm 137 cầu nông thôn với tổng số tiền tài trợ khoảng 8,7 tỷ đồng.
Ngày 21-2-2009, tại lễ mừng hoàn thành 137 cây cầu của CHLB Đức tài trợ, ông G. Dumeline, thành viên Quỹ W.P.Schmitz nói: “Các bạn đã sử dụng đồng tiền đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2009, Đức sẽ tiếp tục tài trợ giúp Bến Tre xây dựng thêm 30 cầu bê tông nông thôn”.
Sau 8 năm thành lập, Hội KHKT cầu đường đã hoàn thành 763 cầu bê tông và hơn 700 km đường nông thôn lớn, nhỏ bằng bê tông và lộ nhựa. Ở những địa phương có cầu, đường đó đi qua, bộ mặt nông thôn đổi mới nhanh chóng, nhiều gia đình sắm được xe gắn máy chở hàng nông sản chạy bon bon trên những cây cầu, đường do Hội KHKT cầu đường vận động các nhà từ thiện làm nên.
Vẻ vui mừng, ông Trịnh Văn Y (Mai Sơn) nói: “ Bây giờ, tôi rất vui vì không còn nghe tin bà con mình té cầu, chìm đò chết nữa. Mỗi lần hoàn thành được một cây cầu, đoạn lộ, lòng tôi mừng còn hơn được cho tiền…”.