Những cựu chiến binh giàu nghị lực

29/07/2012 - 15:59

Họ là những người từng sống, chiến đấu quên mình vì cách mạng, vì công cuộc giải phóng dân tộc trong những ngày quê hương còn ngụt trời lửa khói. Trở về sau chiến tranh với tên gọi “thương binh”, những người lính ấy tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới cũng không kém phần gian nan: cuộc chiến vượt qua bệnh tật, vượt lên đói nghèo.

“Thua keo này, ta bày keo khác”

Ông Trần Văn Đởm (bí danh Trần Bảy Bình, ngụ tại xã Thành An - Mỏ Cày Bắc) được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng: có 2 thế hệ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 4/7 người trong gia đình là liệt sĩ. Bản thân ông tham gia cách mạng từ khi 18 tuổi, trong suốt chặng đường chiến đấu, ông đã có 5 lần bị thương. Hòa bình, ông được xác nhận là thương binh Ử, vết thương ở phổi và khớp vai đôi lần trở nặng, buộc ông phải nhập viện điều trị. Cuộc sống gia đình ông lúc mới giải phóng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ông tâm niệm “Đã thắng được giặc ngoại xâm thì phải thắng được cả giặc đói và giặc dốt”.

 Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trần Văn Đởm là một tấm gương tiên phong trong các phong trào ở địa phương, luôn được mọi người yêu quý, kính trọng vì lối sống hiền hòa, gần gũi và mẫu mực.

Đi vào thực tế, cuộc chiến chống đói nghèo cũng vô cùng gian nan, đầy thử thách. Ông kể, cuộc sống quá khó khăn, ông đi mượn đất (bỏ hoang) của bà con để trồng lúa (12 ngàn mét vuông) và trồng mía (11 ngàn mét vuông) nhưng đều thất thu. Bản thân hàng đêm phải đi soi cá, nháy... để đắp đổi qua ngày. Không chùn bước, ông tìm tòi học hỏi và áp dụng kỹ thuật trồng trọt để cải thiện cho những mùa thu hoạch sau. Bằng sự cần cù, chịu khó, ông đã thu được kết quả khả quan hơn và dần dần tích lũy vốn mua được 4 ngàn mét vuông đất sản xuất, tiếp tục đầu tư canh tác, kết hợp chăn nuôi gà cho trứng và heo thịt. Đến nay, ông đã có trong tay 10 công đất sản xuất, ông đầu tư cho việc trồng cam sành và quýt đường. Tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật khuyến nông, tìm tòi thêm kinh nghiệm ở bạn bè đề áp dụng hiệu quả cho mảnh vườn của mình, ông Đởm ngày càng có thu nhập cao từ những công vườn đạt năng suất tốt. Gia đình ông từ một hộ nghèo, nay đã có thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/năm. Từ đó, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, đã nuôi hai người con tốt nghiệp đại học, thành tài.

Dù mang trên mình nhiều thương tật, nhưng thương binh Trần Văn Đởm đã dùng ý chí và nghị lực của người lính để vượt lên những khó khăn trong cuộc sống bằng việc lao động cần cù, sáng tạo và kiên trì phấn đấu vươn lên. Điều đáng quý hơn là ông không những là người chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo mà còn là người rất tích cực trong các phong trào tại địa phương. Ông đã đóng góp xây cầu đường, góp quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội, giúp gạo cho bà con... với số tiền gần 50 triệu đồng.

Nghĩ cho mình và cho người

Tham gia kháng chiến với 6 lần bị thương, ông Hồ Văn Quận (ngụ tại xã Tân Phong - Thạnh Phú) trở về đời thường là thương binh hạng 2/4. Không buông xuôi với cuộc sống chật vật nghèo khó, ông quyết chí tìm cách vươn lên trên chính mảnh vườn nhỏ của gia đình. Trồng cây trái kết hợp với chăn nuôi theo những kỹ thuật tiên tiến và chịu khó tích lũy dần dần. Dẫu không ít lần lao đao với điệp khúc “trúng mùa rớt giá, được giá mất mùa”, ông không hề nản chí. Sau nhiều năm phấn đấu, tích lũy, ông đã sở hữu 5 công vườn dừa trồng xen bưởi và chanh, kết hợp nuôi cá; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/năm. Ông dồn tâm sức để cải thiện cuộc sống gia đình và nuôi 5 người con khôn lớn. Bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, ông đã chiến thắng đói nghèo.

Thương binh Hồ Văn Quận (Thạnh Phú).

 “Tôi sẽ tiếp tục làm những gì có thể để giúp đỡ cho người dân nghèo quê tôi”.

Nhìn thấy vùng quê của mình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ông nghĩ: còn sức thì còn tham gia, làm mọi cách có thể để quê hương bớt khó. Đầu tiên là ông đề xuất cùng Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh ấp Thạnh B - xã Tân Phong (nơi ông cư trú) giúp hội viên thực hiện các mô hình kinh tế để thoát nghèo bền vững, đến nay, 100% hội viên Cựu chiến binh ấp đều thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, Chi hội ấp đạt vững mạnh nhiều năm liền. Bản thân ông đã lặn lội khắp nơi trong và ngoài tỉnh để vận động những người thân quen cùng chung hỗ trợ cho quê hương. Tinh thần nhiệt huyết vì hoạt động xã hội của người thương binh cao tuổi Hồ Văn Quận (ông đã bước sang tuổi 66) đã lay động rất nhiều mạnh thường quân. Tính đến nay, ông đã vận động xây dựng được 6 tuyến lộ bê-tông (chiều dài gần 6 ngàn mét), 6 cây cầu bê-tông, xây dựng 2 căn nhà tình thương và 1 căn nhà nghĩa tình đồng đội. Bên cạnh đó, ông còn vận động vật phẩm (gạo, mùng mền...) giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo tại xã.

Với tinh thần vượt khó vươn lên, tích cực vì công tác xã hội, ông đã được các cấp Hội Cựu chiến binh ghi nhận, khen thưởng.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN