
Đại biểu Sở Nội vụ triển khai các nghị định mới của Chính phủ.
Nghị định số 29/2023/NĐ-CP
Xét đến cùng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là mục tiêu cao nhất của TGBC. Những văn bản quy định về TGBC qua các thời kỳ gồm: Nghị quyết (NQ) số 16/2000/NQ-CP ngày 18-10-2000 của Chính phủ về việc TGBC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và NQ số 09/2003/NQ-CP ngày 28-7-2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung NQ số 16/2000/NQ-CP; Nghị định (NĐ) số 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 về TGBC; NĐ số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách TGBC; NĐ số 143/2020/NĐ-CP ngày 10-12-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 108/2014/NĐ-CP và NĐ số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 108/2014/NĐ-CP.
Từ năm 2015 - 2022, tỉnh đã giải quyết chính sách TGBC cho 1.255 CB, CC, VC, trong đó, có 223 người thuộc diện dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự, sắp xếp lại đơn vị hành chính, 65 người do cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC theo vị trí việc làm, 967 người do trình độ đào tạo (không phù hợp và không đạt theo tiêu chuẩn), xếp loại chất lượng hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ và sức khỏe không đảm bảo.
Việc triển khai thực hiện chính sách TGBC được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và quyết liệt. Các nguyên tắc, đối tượng và trình tự, thủ tục thực hiện TGBC được tuân thủ đúng quy định. Việc triển khai thực hiện chính sách TGBC đã góp phần giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa ra khỏi tổ chức, bộ máy những người chưa đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… Qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ CB, CC, VC.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách TGBC ở giai đoạn 2015 - 2022 vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Số lượng CB, CC, VC được giải quyết chế độ TGBC khá nhiều nhưng chỉ là sự giảm đi một cách cơ học, chưa gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CC, VC; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chưa xem TGBC là một cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ. TGBC chưa thực sự trở thành động lực từ bên trong mà chỉ là áp lực từ bên ngoài nên việc thực hiện còn bị động.
Nhằm khắc phục những hạn chế và tiến gần hơn đến mục tiêu của chính sách TGBC, ngày 3-6-2023, Chính phủ ban hành NĐ số 29/2023/NĐ-CP về TGBC thay thế các NĐ trước đó.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả NĐ số 29/2023/NĐ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5151/KH-UBND triển khai thực hiện NĐ số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về TGBC. So với các quy định trước đây, chính sách TGBC mới có những điểm khác biệt.
Đối tượng tinh giản biên chế
Theo quy định mới, có 8 đối tượng thuộc diện TGBC, bao gồm 3 đối tượng được quy định tại Điều 2 và 5 đối tượng được quy định tại Điều 18. Mỗi đối tượng có các điều kiện, lý do nhất định được quy định chặt chẽ.
Nhóm đối tượng CB, CC, VC; CB, CC cấp xã cần thỏa mãn một trong các điều kiện về dôi dư, điều kiện về trình độ đào tạo, điều kiện về xếp loại, điều kiện về số ngày nghỉ làm việc, điều kiện khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và điều kiện khi bị kỷ luật để được giải quyết TGBC.
Đối tượng người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo điều kiện về dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được áp dụng chính sách TGBC khi dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Nhóm đối tượng các chức danh chủ chốt trong các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, người được cử sang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được hưởng chính sách TGBC khi dôi dư do sắp xếp lại các đơn vị.
Chính sách tinh giản biên chế
Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đã đưa ra 5 chính sách TGBC bao gồm: chính sách nghỉ hưu trước tuổi (Điều 5); chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (Điều 6); chính sách thôi việc (Điều 7); chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức (CB, CC) cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội - BHXH (Điều 8); chính sách đối với đối tượng TGBC dôi dư do sắp xếp lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp (Điều 9).
Trong các chính sách trên, chính sách nghỉ hưu trước tuổi được dự đoán sẽ có nhiều đối tượng thực hiện do được ưu đãi nhiều quyền lợi như: không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, được trợ cấp 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu, được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 đầu công tác, có đóng đủ BHXH bắt buộc, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Nếu đối tượng TGBC có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ như: Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng mức lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề; sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng BHXH; trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm và được bảo lưu thời gian đóng BHXH và cấp số BHXH hoặc nhận trợ cấp BHXH 1 lần theo quy định của Luật BHXH.
Thẩm quyền giải quyết chế độ tinh giản biên chế
Theo nội dung Điều 14 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ thẩm định danh sách đối tượng TGBC của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện TGBC của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện việc chi trả chính sách cho đối tượng TGBC theo quy định. Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng TGBC và kinh phí thực hiện TGBC của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, chịu trách nhiệm về quyết định phê duyệt này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải quyết TGBC cho 15 trường hợp, trong đó có 2 CB, CC cấp xã và 13 viên chức (VC) theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Kể từ ngày 20-7-2023, việc thực hiện TGBC sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP.
Nhằm đảm bảo công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng chế độ TGBC trong thời gian tới được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuân thủ đúng quy định của Trung ương, lưu ý đối với các trường hợp đã được Bộ Nội vụ nhắc nhở tại Công văn số 5670/BNV-TCBC ngày 11-11-2022. Cụ thể là không xem xét giải quyết những trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm CC, VC hoặc CB cấp xã; CC, VC có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đề nghị giải quyết TGBC; CC, VC không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đề nghị giải quyết TGBC nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định; chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để TGBC ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; CC, VC dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Để có sự thống nhất trong triển khai thực hiện, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện (Công văn số 1911/SNV-CCVC ngày 25-8-2023 và Công văn số 2052/SNV-CCVC ngày 12-9-2023).
Theo đó, các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2023 và hàng năm từ năm 2024. Hồ sơ TGBC 6 tháng cuối năm được gửi về Sở Nội vụ trước ngày 15-9-2023 để được thẩm định về đối tượng và phối hợp với Sở Tài chính thẩm định dự toán, sau đó hoàn chỉnh và trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện tinh giản. Hồ sơ TGBC các năm sau kể từ năm 2024 chia làm 2 đợt, gửi về Sở Nội vụ trước ngày 15-11 (thực hiện cho 6 tháng đầu năm) và 15-5 (thực hiện cho 6 tháng cuối năm của năm tinh giản).
|
Bài, ảnh: Nhật An