Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, bài 2:

Những điển hình gia đình chính sách, người có công cách mạng

27/07/2022 - 05:40

BDK - Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Mẹ Nguyễn Thị Hiệp nhắc nhớ truyền thống gia đình. Ảnh: Phan Hân

Mẹ Nguyễn Thị Hiệp nhắc nhớ truyền thống gia đình. Ảnh: Phan Hân

Giáo dục truyền thống gia đình

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hiệp (86 tuổi), ấp Đông Thạch, xã Thành An (Mỏ Cày Bắc) có chồng và con trai lớn tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh trong lần công tác được Nhà nước phong tặng danh hiệu liệt sĩ. Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ được nhận trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Con cháu mẹ được hưởng các chế độ ưu đãi về học tập, công việc. Nhất là trong các dịp kỷ niệm lớn, mẹ luôn được lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đến thăm hỏi, động viên. Chồng con hy sinh là sự mất mất lớn của gia đình nhưng được chính quyền địa phương quan tâm mẹ cảm thấy vui mừng. Đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất với mẹ.

Chiến tranh dần qua, ngày độc lập cũng tới, mẹ mừng vui nhưng nỗi đau mất con, nước mắt hàng đêm lăn dài trên má mẹ. Thương nhớ chồng con, biến đau thương thành sức mạnh kiên cường vượt qua mất mát, nuôi dạy con cái, giáo dục thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống gia đình luôn yêu quê hương, đất nước, tích cực đóng góp cho các phong trào địa phương trong khả năng có thể. Nối tiếp truyền thống gia đình, hiện mẹ còn 2 người con, tất cả đều tham gia tốt các phong trào địa phương. Cháu ngoại của mẹ tham gia hoạt động Đoàn tại xã Thành An.

Ông Võ Văn Hít (bí danh Võ Thành Trung), ngụ ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm cho biết, ông tự hào khi được sinh ra trong gia đình cách mạng và là con của liệt sĩ. Từ truyền thống cách mạng của gia đình, cũng như từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông Võ Văn Hít luôn ý thức mình phải có trách nhiệm. Đặc biệt là giáo dục con cháu trong gia đình tiếp tục noi theo tấm gương của cha ông, hết lòng phụng sự Tổ quốc, cống hiến hết mình cho các phong trào cách mạng, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.

Là cán bộ hưu trí với 39 năm tuổi Đảng, ông Võ Văn Hít đã đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 4 của ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh suốt 17 năm qua. Tổ nhân dân tự quản số 4 hiện có 24 hộ, được công nhận là Tổ Văn hóa kiểu mẫu đã nhiều năm với nhiều điểm sáng. Từ nguồn vận động, ông Hít đã gầy dựng và duy trì quỹ tương trợ cho tổ với kinh phí 20 triệu đồng, hỗ trợ cho mượn không lời (5 triệu đồng/người/năm) giúp cho các tổ viên có hoàn cảnh khó khăn làm ăn kinh tế nhỏ, trang trải trong gia đình trong hơn 4 năm qua. Ông Hít còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Tân Lợi Thạnh, với nhiều hoạt động tích cực chăm lo cho người nghèo tại địa phương. Trong vai trò cố vấn, ông còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng địa phương trong những lần họp thành viên UBND xã mở rộng. Nhiều ý kiến thiết thực của ông đã góp phần tích cực giúp xã triển khai hiệu quả các phong trào cách mạng tại địa phương.

Với nhiều năm cống hiến trên các lĩnh vực, ông Võ Văn Hít đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND huyện, UBND tỉnh. Đặc biệt, ông nhận được bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công tác đoàn thể. Quan trọng hơn, ông được bà con nhân dân địa phương yêu mến, kính trọng và tin tưởng vì sự mẫu mực, nhiệt tình, hết lòng vì công tác xã hội của ông.

“Đảng và Nhà nước đã quan tâm, thực hiện rất tốt chủ trương “Uống nước nhớ nguồn”. Từ đó, càng tăng thêm lòng tin của nhân dân với các chủ trương của Đảng và Nhà nước”, Võ Văn Hít bộc bạch.

Nêu gương trong cộng đồng

Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh - thương binh 1/4, ấp Hưng Long, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc, có 3 anh em tham gia cách mạng. Người anh trai đi công an tỉnh, người em công tác tại địa phương. Riêng ông Nguyễn Văn Vinh trước đó công tác ngành y của huyện Mỏ Cày. Đến năm 1982, ông tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới rồi trở về gia đình với 80% thương tật. Với sự năng nổ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Nguyễn Văn Vinh được tổ chức tín nhiệm, nhân dân tin tưởng bầu làm Trưởng ấp Hưng Long, rồi Trưởng ban Công tác Mặt trận của ấp. Đến nay, ông đảm nhiệm 2 chức vụ gồm: Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Lộc kiêm Hội trưởng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo xã.

Là CCB trở về sinh hoạt đời thường, trong vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB xã Hòa Lộc, ông Nguyễn Văn Vinh được giao phụ trách 2 ấp Hòa Hưng và Hòa Bình. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ xã Hòa Lộc đánh giá chi bộ 2 ấp Hòa Hưng, Hòa Bình đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh xuất sắc, trong đó có một phần đóng góp của ông Nguyễn Văn Vinh.

 Chia sẻ về kinh nghiệm phụ trách địa bàn, ông Nguyễn Văn Vinh cho biết: Để hướng dẫn theo dõi tình hình hoạt động và kịp thời giải quyết các khó khăn của CCB, tôi bám sát nghị quyết chi bộ ấp. Trong các cuộc họp định kỳ hàng tháng, ông Nguyễn Văn Vinh thường gợi mở cho CCB ấp bàn bạc việc nước, việc hội, việc nhà. Nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, ông hướng dẫn trực tiếp, tuyên truyền lấy vai trò CCB làm lực lượng nòng cốt, gương mẫu trong các phong trào bởi vì CCB là một đoàn thể chính trị - xã hội. Ông vận động CCB ấp Hòa Hưng, Hòa Bình tham gia hiến đất, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn.

Riêng vai trò Hội trưởng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, ông Nguyễn Văn Vinh phát tâm từ tấm lòng thiện nguyện. Dù sức khỏe hạn chế nhưng ông Vinh vẫn bền bỉ hỗ trợ người dân trong ấp, xã. Ông nói: “Xuất phát từ quân đội nhân dân, trong đấu tranh giải phóng dân tộc vì nhân dân chiến đấu, hòa bình trở về địa phương được người dân tin tưởng, thương mến nên tôi sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình”.

Còn rất nhiều những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương. Đó là những câu chuyện sinh động, có giá trị thiết thực để tiếp tục nối dài truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN