 |
Đổi GPLX tại Bộ phận một cửa, Sở GTVT Bến Tre Ảnh: Đ.C |
Thực hiện lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng bìa giấy (cũ) sang GPLX bằng vật liệu PET (mới), theo hướng dẫn tại Thông tư số 38 ngày 24-10-2013 của Bộ Giao thông vận tải; ngày 10-2-2014, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bến Tre đã ra Thông báo số 289 về việc chuyển đổi GPLX ô-tô, mô-tô cũ sang GPLX mới.
Theo thông báo này, kể từ ngày 1-3-2014, Sở GTVT Bến Tre sẽ tiến hành chuyển đổi GPLX ô-tô, mô-tô cũ sang GPLX mới cho người đổi. PV Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Láng - Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT).
PV: Xin ông vui lòng cho biết, đến thời điểm này, Sở GTVT quản lý bao nhiêu GPLX ? Số lượng GPLX đã đổi từ cũ sang mới?
Trả lời: Hiện nay, Sở GTVT Bến Tre đang quản lý 403.011 GPLX các hạng (vừa cũ, vừa mới). Thực hiện Quyết định 1207/2012 của Bộ GTVTÕvề việc sử dụng giấy phép lái xe bằng vật liệu PET, từ ngày 10-9-2012, Sở đã chính thức đưa vào sử dụng GPLX bằng vật liệu PET trên địa bàn tỉnh; áp dụng cho cấp mới, cấp đổi, cấp lại cho tất cả giấy phép lái xe ô-tô các hạng bị hỏng, hết thời gian sử dụng hoặc bị mất. Đến tháng 11-2012, Sở tiếp tục cấp mới cho tất cả các hạng GPLX mô-tô.
Đến thời điểm hiện nay, Sở đã chính thức đưa vào sử dụng GPLX bằng vật liệu PET trên địa bàn tỉnh là 9.045 GPLX; trong đó, có 3.574 GPLX xe ô -ô, 5.471 GPLX xe mô-tô.
PV: Quá trình tiến hành đổi GPLX có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Trả lời: Đó là việc tra cứu GPLX trong tỉnh và ngoài tỉnh được thuận tiện, nhanh chóng. Việc quản lý GPLX đơn giản hơn so với trước đây (không phải dùng sổ cái để lưu giữ thông tin về người lái xe). Về khó khăn: Chương trình GPLX mới đòi hỏi khi nhập dữ liệu thông tin về người lái xe phải đầy đủ các thông tin như ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (CMND), và tên của người lái xe trong hồ sơ lái xe phải trùng khớp với tên trên giấy CMND. Do vậy, khi người dân có nhu cầu đến xin cấp đổi GPLX, lúc xuất trình các loại giấy tờ để đối chiếu thì vướng phải các trường hợp như: giấy CMND không có ngày, tháng mà chỉ có năm; giấy CMND do người dân lưu giữ không kỹ hoặc do sử dụng quá lâu nên số CMND bị phai mờ không thể nhận dạng được số; thay đổi họ tên trên giấy CMND mới không trùng với hồ sơ gốc lái xe… buộc người lái xe phải bổ túc hồ sơ, đi lại nhiều lần, mất thời gian.
PV: Sở GTVT có những khuyến cáo (lưu ý) gì đối với người đổi GPLX?
Trả lời: Đó là: Giấy CMND phải có đầy đủ ngày, tháng, năm; nếu không xác định được ngày sinh, tháng sinh, Sở sẽ căn cứ theo Thông tư số 01/2008 ngày của Bộ Tư pháp về việc Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005Õcủa Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch để áp dụng, ghi ngày sinh là 01 và tháng sinh là 01. Số giấy CMND phải rõ ràng, trong trường hợp quá cũ không nhận dạng được số, tốt nhất nên đổi CMND trước khi đổi lại GPLX.
Trong trường hợp người đến đổi GPLX có 2 hạng GPLX trở lên (vừa có hạng ô-tô, vừa có hạng mô-tô), thì khi đến xin cấp đổi lại phải kê khai trong tờ đơn xin cấp đổi lại GPLX tất cả các hạng GPLX mà mình có. Vì theo quy định, mỗi người chỉ được cấp duy nhất 1 giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng khuyến cáo: Không cấp lại các trường hợp GPLX bị mất do Sở GTVT Bến Tre không quản lý. Đặc biệt, đối với những người có hành vi: giả khai báo mất GPLX hoặc tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, thì ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc, còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Đối với những trường hợp này, khi có nhu cầu cấp lại GPLX thì họ phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!