Những giải pháp cần tập trung để nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa

22/10/2010 - 08:26
Trúng mùa tôm sú.

Năm năm qua, nông nghiệp Bến Tre phát triển với tốc độ nhanh và khá toàn diện. Hai thế mạnh kinh tế vườn và thủy sản luôn là kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cơ cấu trong nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng khai thác tốt lợi thế từng vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt; bước đầu hình thành được một số vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng cao, bình quân đạt 7,63%/năm.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật kết hợp trồng xen, nuôi xen, thay đổi giống mới được quan tâm nhiều hơn, nên đã giảm diện tích lúa 3.000ha, mía 2.300ha, nhưng năng suất, sản lượng hàng năm đều tăng. Chăn nuôi phát triển cả về qui mô, chất lượng, chiếm tỷ trọng 30,17% trong nông nghiệp, tăng 0,72% so nhiệm kỳ trước. Nhiều trang trại được hình thành, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Thủy sản phát triển khá mạnh, nhiều mô hình nuôi có hiệu quả cao, đối tượng nuôi mới được áp dụng thành công như tôm thẻ chân trắng, cá chẻm, cá bống tượng. Tổng sản lượng nuôi thủy sản năm 2010 tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Khai thác thủy sản phát triển theo chiều sâu, số lượng tàu thuyền tăng gấp 2 lần so đầu nhiệm kỳ.

Trúng mùa chôm chôm nghịch vụ.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông nghiệp hiệu quả chưa cao, một số loại trái cây đặc sản có chất lượng nhưng chưa đảm bảo tính ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nuôi trồng thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để nông nghiệp phát triển toàn diện, đa dạng, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, nhất là chú trọng đến xuất khẩu; phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân khoảng 5,63%/năm; chú trọng phát triển mạnh kinh tế vườn, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; xây dựng mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao ở Chợ Lách; nhân rộng mô hình sản xuất trái cây đặc sản đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; phấn đấu đến năm 2015 diện tích cây ăn trái đạt 34.500ha, sản lượng trên 442.000 tấn, tăng 20% so năm 2010; năm 2012 sẽ hoàn thành dự án trồng mới 5.000ha dừa; trồng xen 10.000ha cacao trong vườn dừa; nâng diện tích vườn dừa lên 53.500ha vào năm 2015, sản lượng đạt 494 triệu trái, tăng 22% so năm 2010; phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích nuôi theo hướng trang trại, nuôi công nghiệp gắn với chế biến; ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng vùng sản xuất lúa tập trung khoảng trên 30.000ha vào năm 2015; giữ ổn định vùng mía nguyên liệu 4.300ha, sản lượng 365.500 tấn; phát triển mạnh, đa dạng, có qui hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản gắn với thị trường; dự kiến đến năm 2010 diện tích thủy sản đạt 46.000ha, trong đó tôm sú thâm canh, bán thâm canh 5.500ha, sản lượng nuôi tăng 30% so năm 2010; đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển, kinh tế vùng ven biển trở thành một trong các vùng động lực phát triển kinh tế chung của tỉnh; chú trọng chế biến, xuất khẩu thủy sản; gắn nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; phân chia địa giới hành chính các xã ven biển để quản lý, khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh kinh tế biển; dự kiến đến năm 2015 tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 90.000 tấn, tăng 6% so năm 2010; tăng cường quản lý, sử dụng, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; kết hợp phát triển đồng bộ nông-lâm-ngư nghiệp, góp phần vừa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía, lúa, dừa, thủy sản, trái cây; khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến ngư; tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động tưới tiêu các vùng sản xuất lúa, vùng nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái; triển khai có hiệu quả các qui hoạch, đề án nông nghiệp; ưu tiên vốn xây dựng qui hoạch, nhất là nông thôn; triển khai thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; thực hiện tốt đề án đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu 5 năm tới, cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Thu hoạch tôm ở xã An Điền (Thạnh Phú).

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN