 |
Vào mùa khô, nhà vườn lo thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: T.Q |
Chợ Lách nằm ở vị trí thuận lợi, đất đai được sông Cổ Chiên, Hàm Luông và hệ thống kênh rạch chằng chịt bồi đắp phù sa màu mỡ, cây trồng phát triển tươi tốt, cho trái có chất lượng. Tuy nhiên, huyện cũng có nhiều vùng đất trũng, bị nước ngập trong những ngày triều cường; khu vực đất cồn thường xảy ra sạt lở. Những năm qua, huyện đẩy mạnh xây dựng hệ thống đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái. Có 35 công trình do tỉnh hỗ trợ đê bao với diện tích 4.825 ha (chiếm 45%), huyện hỗ trợ cống và nhân dân làm đê bao cục bộ 1.929 ha (chiếm 18%), nhân dân tự bỏ kinh phí làm đê, diện tích 4.085,5 ha (chiếm 37%).
Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho rằng, vào mùa khô, nước nhiễm mặn từ sông Hàm Luông và Cổ Chiên theo các rạch ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1.000 ha cây ăn trái (sản lượng giảm 9.000 tấn), 20.000 cây giống hoa kiểng các loại. Theo dự báo, năm nay, Chợ Lách có nguy cơ nhiễm mặn từ tháng 3 đến tháng 5 (trước đây chỉ tháng 3 và tháng 4). Các xã: Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành chịu ảnh hưởng mặn nhiều nhất. Cây ăn trái, hoa kiểng dễ bị sốc khi gặp nước mặn, dù độ mặn chỉ 1%o. Trước tình hình trên, Phòng NN&PTNT thường xuyên đo độ mặn trên các sông, kênh rạch và thông báo kịp thời đến hộ dân. Phòng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm kéo giảm thiệt hại do mặn đối với vườn cây ăn trái và gia súc, gia cầm. Các hộ dân trong khu vực có đê bao cần kiểm tra lại tuyến đê, cống và xây dựng quy trình đóng, mở cống phù hợp. Khu vực chưa có đê bao, phải đắp đập tạm, đê riêng để ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.
Cũng theo thạc sĩ Liêm, chủng loại cây trồng trên địa bàn huyện có thể chia thành các nhóm như: Nhóm mẫn cảm nước mặn: sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt… nước mặn trong thời gian rất ngắn cũng đủ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, đặc biệt tưới nước nhiễm mặn 1%o cây bị cháy lá, giảm sức sống; nhóm cây chịu mặn yếu: ca cao, lúa, bắp, đậu…, chỉ chịu được độ mặn từ 1,4 - 2%o; nhóm chịu mặn trung bình: cam, quýt, bưởi, chanh, cà chua, bầu bí… chịu được độ mặn từ 2 – 3%o. Nhóm chịu mặn khá: xoài, sapô, dừa.. chịu được độ mặn từ 2 - 5%o. Trong cùng một loại cây trồng giữa các giống khác nhau, khả năng chịu mặn khác nhau, cụ thể bưởi da xanh chịu mặn tốt hơn bưởi năm roi. Đất giàu chất hữu cơ hoặc bón nhiều phân hữu cơ có tác dụng làm hạn chế ảnh hưởng của mặn.
Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách đã đưa ra một số biện pháp hạn chế ảnh hưởng của mặn như: Dùng cỏ, lục bình đậy gốc cây; giữ cỏ hợp lý; dùng lá dừa, lá dừa nước che bóng cho cây (sầu riêng, ca cao, măng cụt,... dưới một năm tuổi) vào mùa khô và không tưới nước nhiễm mặn; hạn chế tối đa việc bón phân và tỉa cành, tạo tán; không dùng nước mặn để pha phân bón lá, thuốc trừ sâu bệnh để phun xịt; bố trí gieo trồng hợp thời vụ, cây ăn trái trồng mới vào lúc bắt đầu mùa mưa và chính thức kết thúc khi hết mưa. Đối với vật nuôi, gia súc, nên tăng cường bổ sung thức ăn xanh; cho heo ăn nhiều rau xanh (có thể tăng gấp đôi so bình thường) và pha thêm cám gạo vào thức ăn công nghiệp để giảm độ mặn trong khẩu phần ăn, tuyệt đối không nên dùng nước mặn cho heo ăn uống, nhất là heo nái đẻ và heo con; khi tắm hoặc rửa chuồng trại phải chú ý cho chuồng khô, không để heo con uống nước còn tồn đọng. Trường hợp nước ngọt không đủ cho vật nuôi dùng, người nuôi cần pha nước ngọt lẫn mặn để vật nuôi thích ứng dần.
Về lâu dài, huyện lên biểu đồ xâm nhập mặn để đưa ra dự báo chính xác; hoàn chỉnh hệ thống đê bao, quy hoạch kênh mương nội đồng và có kế hoạch nạo vét kênh mương, đảm bảo trữ nước ngọt trong mùa khô. Việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, mùa vụ canh tác, mùa vụ xử lý ra hoa phù hợp mức độ mặn xâm nhập cũng đang được huyện chuẩn bị. Cơ quan chuyên môn đang tìm một số gốc ghép cây ăn trái có khả năng chịu mặn, chọn lọc giống vật nuôi có khả năng thích ứng tốt với môi trường mặn.